Trung Quốc truy đến cùng tiền tham nhũng tuồn ra nước ngoài

Trong một bài viết ngày 27-9, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) tuyên bố sẽ tăng cường nỗ lực giám sát nhằm vào các khoản tiền do các quan chức tham nhũng tuồn ra nước ngoài, theo báo South China Morning Post.

Bài bình luận có tiêu đề "Overseas Is No Haven for Transferring Assets" (Nước ngoài không phải là nơi chuyển nhượng tài sản). Trong nội dung, CCDI hứa sẽ trừng phạt hành vi rửa tiền và truy thu tất cả tài sản mà các quan chức nhà nước có được do tham nhũng. 

CCDI cũng trích dẫn yêu cầu từ các chuyên gia về việc giám sát chặt hơn vấn đề các quan chức nhà nước chuyển tiền ra nước ngoài. 

Cờ Trung Quốc ở Vạn Lý Trường Thành. Ảnh: REUTERS

CCDI cho biết nhiều tài liệu của nhà nước yêu cầu các quan chức phải báo cáo tài sản cá nhân ở nước ngoài và liệu họ có người thân  sống ở nước ngoài hay không. Các quan chức cũng có thể ngồi tù lên tới hai năm nếu không báo cáo các khoản tiền tiết kiệm ở ngân hàng nước ngoài.

Đồng thời, cơ chế giám sát đối với các khoản kiều hối lớn của quan chức có thể được mở rộng cho toàn bộ người thân trong gia đình của họ và sẽ được báo cáo kịp thời cho cơ quan thanh tra, giám sát kỷ luật.

“Tội che giấu tiền tiết kiệm ở nước ngoài là một lằn ranh đỏ đối với các quan chức nhà nước. Họ cũng sẽ phạm một tội khác nữa nếu cố tình chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài” - CCDI nhấn mạnh.

Theo bài bình luận, chính quyền Trung Quốc đã dẫn độ 7.831 kẻ đào tẩu từ 120 quốc gia khác nhau và thu hồi được 19,6 tỉ nhân dân tệ.

Bài bình luận trên được đăng tải vài ngày sau khi ca sĩ người Canada gốc Hoa Wanting Qu lên mạng xã hội Weibo kêu gọi công lý cho mẹ mình là bà Zhang Mingjie - cựu Phó Giám đốc Cục phát triển và cải cách ở thủ phủ Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc).

Vào tháng 9-2014, bà Zhang bị bắt với các tội danh tham nhũng, nhận hối lộ và biển thủ công quỹ. Bà Zhang bị cáo buộc đã bán một trang trại quốc doanh trị giá 2,3 tỉ nhân dân tệ với giá chỉ 61.600.000 nhân dân tệ trong một quá trình tái cơ cấu, đồng thời nhận hối lộ lên đến 5.000.000 nhân dân tệ. 

Hồi năm 2018, ông Wu Jianrong - cựu Chủ tịch Cơ quan Sân bay Thượng Hải - cũng đã bị kết án 12 năm tù vì nhận hối lộ hơn 20.000.000 nhân dân tệ và không khai báo hơn 387.000 USD mà vợ ông có trong tài khoản ngân hàng ở Hong Kong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm