Một quan chức cấp cao ở Bắc Kinh cho biết Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước khi cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19, đài CNN đưa tin.
Ngày 25-9, ông Zheng Zhongwei (Trịnh Trung Vĩ) thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), cũng là người đứng đầu nhóm quan chức quản lý việc phát triển vaccine ngừa COVID-19, cho biết Quốc vụ viện nước này đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine từ cuối tháng 6.
"Sau khi được phê duyệt, chúng tôi (tức NHC - PV) đã liên lạc và thông báo cho các đại diện liên quan của Văn phòng WHO tại Trung Quốc và nhận được sự thông cảm và ủng hộ từ WHO", ông Trịnh nói tiếp.
Một loại vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn Sinopharm (Trung Quốc) phát triển. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Sau đó, Trung Quốc đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 trên quy mô hàng trăm ngàn người bất chấp những chỉ trích rằng vaccine được cấp phép mà chưa hoàn tất quá trình thử nghiệm.
Một số chuyên gia và đơn vị phát triển vaccine ở phương Tây cảnh báo những hậu quả nguy hiểm từ việc cấp phép sớm các loại vaccine ngừa COVID-19.
Trong buổi họp báo tại trụ sở WHO ở TP Geneva (Thụy Sĩ) hôm 25-9, bác sĩ Mariangela Simao - Trợ lý Tổng Giám đốc WHO phụ trách việc phân phối thuốc và các sản phẩm y tế - nói rằng các quốc gia có quyền cấp phép sử dụng khẩn cấp bất kỳ sản phẩm y tế nào phù hợp pháp luật quốc gia.
Bà Simao cho rằng Trung Quốc và một số quốc gia khác đã sử dụng quyền cấp phép khẩn cấp này.
Bà Simao cũng lưu ý rằng WHO có những điều khoản riêng về việc sử dụng khẩn cấp các sản phẩm y tế và đã cấp phép sử dụng một số sản phẩm phục vụ việc chẩn đoán COVID-19.
Trung Quốc được coi là một trong những quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua phát triển vaccine ngừa COVID-19. Nước này có 11 ứng viên vaccine đang trải qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, bao gồm bốn loại ở giai đoạn thử nghiệm thứ 3.
Theo WHO, trên toàn cầu, ít nhất 38 ứng viên vaccine ngừa COVID-19 đã tiến vào giai đoạn thử nghiệm thứ ba - hoạt động thử nghiệm ở quy mô lớn nhất theo khuyến cáo chung WHO và giới y khoa thế giới.
Hồi tháng 8, ông Trịnh đã phát biểu trên sóng truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV rằng từ ngày 22-7, chính quyền Bắc Kinh đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những người làm các công việc "có rủi ro cao".
Những đối tượng này bao gồm nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch và tại một số phòng khám chuyên khoa, nhân viên phòng chống dịch, lực lượng biên phòng và hải quan.
Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc Sinopharm có hai loại vaccine đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Trong một bản thông báo trong tháng 9, công ty này cho biết tổng cộng "hàng trăm ngàn" liều vaccine của hãng đã được sử dụng trong chương trình khẩn cấp của chính quyền Bắc Kinh.
Đại diện Sinopharm cho biết trong số những người đã được tiêm chủng bằng vaccine của hãng, "không có trường hợp nào cho thấy tác động tiêu cực đáng kể, cũng như không ai bị nhiễm bệnh".
Sau khi được cấp phép khẩn cấp, vaccine của Sinopharm sẽ tiếp tục được thử nghiệm tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain, Peru, Morocco và Argentina. UAE đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Sinopharm từ tuần trước.
Trung Quốc cũng có tham vọng đẩy mạnh việc cung cấp vaccine tại các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và con đường, cũng như các nước ở tiểu vùng sông Mekong.
Hai loại vaccine khác tham gia chương trình khẩn cấp của Trung Quốc bao gồm một loại do tập đoàn công nghệ sinh học Biotech và một do đội ngũ quân y Trung Quốc phát triển.
Tính đến 10 giờ sáng 26-9 (giờ Việt Nam), thế giới đã phát hiện gần 32.759.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó 85.337 trường hợp bị phát hiện ở Trung Quốc. Số bệnh nhân chết vì liên quan tới COVID-19 là 993.435, riêng Trung Quốc có 4.634 trường hợp tử vong, theo chuyên trang thống kê Worldometers.