Trung Quốc đã cho xuất bản tấm bản đồ quốc gia khổ dọc chính thức đầu tiên của mình, chiếm trọn phần lớn diện tích Biển Đông, với diện tích phần đất liền và biển, đảo được thể hiện bằng nhau trong một động thái mới nhất nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền. Trong khi trước đây, Trung Quốc cũng sử dụng các bản đồ trong các yêu sách chủ quyền (Bắc Kinh từng cho in tấm bản đồ có “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu cấp cho công dân nước này), việc xuất bản tấm bản đồ chính thức như thế này là một nấc thang mới trong ý đồ của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Những tấm bản đồ chính thức trước đây là khổ ngang và chú trọng vào phần diện tích đất liền còn phần diện tích biển và các đảo ở Biển Đông thường được thể hiện với tỷ lệ nhỏ hơn, trong một ô vuông ở góc dưới của bản đồ. Tấm bản đồ mới cho thấy, các đảo và vùng biển tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông được thể hiện theo tỷ lệ tương đương với các khu vực đại lục trong một bản đồ hoàn chỉnh. Trung Quốc tuyên bố, tất cả các đảo và vùng nước lân cận được bao quanh bởi "đường lưỡi bò" là thuộc chủ quyền của nước này”.
Tàu Trung Quốc ngăn cản tàu Cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật gần khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: TTXVN |
Đối với Trung Quốc, một chiến lược như thế không có gì là mới, không những nhằm dần thay đổi số liệu về diện tích đất liền và biển, đảo mà còn để chuyển biến nhận thức đối với các yêu sách chủ quyền lãnh thổ khác nhau.
Việc hành động như thể có chủ quyền đối với khu vực nào đó là một chặng đường dài nhằm lái câu chuyện theo quan điểm có lợi cho Trung Quốc. Thông qua hạ đặt một giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác để củng cố cho các yêu sách chủ quyền, ban hành các quy định đối với hoạt động đánh bắt cá và giờ đây là sử dụng bản đồ, Trung Quốc đã phơi bày chiến lược của mình tại Biển Đông.
Đó là không chỉ nói suông mà phải hành động. Họ cho rằng “chiếm hữu là 9/10 của luật pháp” (nghĩa là nếu Trung Quốc kiểm soát được những khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền, sẽ rất khó để các nước khác có thể giành lại cho dù có quyền pháp lý làm như vậy). Đối với Trung Quốc, việc thẳng tay chiếm hữu có thể châm ngòi chiến tranh. Vì vậy, giành ưu thế trên những mặt trận ít có nguy cơ gây ra xung đột hơn như giàn khoan, bản đồ, sử dụng phương tiện phi quân sự và ban hành các quy định, giúp Trung Quốc tiến từng bước đến việc chiếm hữu ở một mặt trận có thể là quan trọng bậc nhất-chính là nhận thức.
Vậy các nước châu Á-Thái Bình Dương có nên quan ngại trước một động thái như vậy hay không?
Đối với các nước ASEAN, thách thức đến từ “đường lưỡi bò 9 đoạn” trước đây và “đường lưỡi bò10 đoạn” hiện nay đã quá rõ ràng. Các nước này phải thể hiện sự phản đối của mình đối với tham vọng của Trung Quốc bằng mọi cách. Một chiến lược khả dĩ là cách Phi-líp-pin đang làm mà vẫn được các học giả gọi là “cuộc chiến pháp lý”. Ma-ni-la đã kiện Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài Thường trực nhằm sử dụng luật pháp quốc tế để buộc Trung Quốc thấy khó mà lui. Một chiến lược khả dĩ khác là đẩy chiến lược trên lên một cấp độ mới. Tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông cùng đệ đơn kiện tập thể lên Tòa trọng tài quốc tế, cùng sát cánh bên nhau. Đây có thể xem là vụ kiện có nhiều nguyên đơn lớn nhất trong lịch sử.
Theo QĐND