Hai cuộc diễn tập hải quân do Mỹ đứng đầu ở hai bờ đối diện trên biển Thái Bình Dương cho thấy những viễn cảnh hoàn toàn khác nhau: một lạc quan, một lo ngại, về những gì Mỹ - Trung có thể đem lại cho nhau.
“Củ cà rốt khủng” RIMPAC
Ở bờ phía Đông, trên vùng biển ngoài khơi Hawaii, các tàu Trung Quốc đang lần đầu tiên tham gia tập trận hai năm một lần mang tên Vành đai Thái Bình Dương, hay RIMPAC.
Đây là tín hiệu tích cực, nhất là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về sự tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Tập trận RIMPAC sẽ kéo dài tới tận ngày 1/8, là diễn tập hải quân đa phương lớn nhất thế giới.
Với việc phái 4 tàu, trong đó có tàu bệnh viện Peace Ark, Trung Quốc đang ra hiệu về một cách tiếp cận mang tính hợp tác hơn đối với Mỹ và các láng giềng Thái Bình Dương khác.
“Cây gậy sát sườn” CARAT
Tuy nhiên, cách 5 nghìn dặm về phía Tây, một cuộc tập trận khác cũng vừa diễn ra ngoài khơi Philippines với một thông điệp rất khác. Tập trận "Hợp tác Huấn luyện và Sẵn sàng chiến đấu trên Biển" – CARAT giữa Mỹ và Philippines từ 26/6 - 1/7 diễn ra ngoài khơi Bản Subic, nơi từng là căn cứ hải quân bên ngoài lớn nhất Mỹ.
Subic còn có vai trò trọng trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Tổng thống Mỹ Obama, nhằm trấn an các đồng minh cảm thấy đang bị Trung Quốc uy hiếp.
Subic cũng gần ngay bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, một vùng biển giàu hải sản mà Trung Quốc đã chiếm đóng trên thực thế từ năm 2012.
Các tư lệnh Mỹ và Philippines không đưa ra bình luận về sự liên hệ giữa hai cuộc tập trận với những tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc. Nhưng rõ ràng: nếu RIMPAC tượng trưng cho hi vọng của Mỹ về sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, thì CARAT lại nằm trong phương án B sử dụng hành động quân sự nếu mọi thứ trở nên tồi tệ.
Tiếp sau sẽ là “cây gậy”, “củ cà rốt” nào?
Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc là động lực cho một môi trường hòa bình trong khu vực và thế giới. Song các nhà phân tích quân sự phương Tây đều thống nhất cho rằng, sự tăng cường an inh trước các mối đe dọa từ hai bên đang là mối đe dọa lớn nhất tới hòa bình châu Á.
Một giải pháp quân sự sẽ dẫn tới sự phản công không thể kiểm soát và dẫn tới sự bế tắc an ninh. Đây là tình thế cả Mỹ và Trung Quốc đều thấy trước.
Trung Quốc xem sự hợp tác quân sự ngày càng được củng cố giữa Mỹ với các đồng minh châu Á như Philippines là một phần trong nõ lực nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và ngăn chặn họ đối với các quyền chủ quyền “hợp pháp”.
Điều này khiến Bắc Kinh đưa ra chiến lược “chống tiếp cận/phong tỏa khu vực”(AD/A2 - anti – access/ area denial) bờ Tây Thái Bình Dương đối với lực lượng Mỹ.
Nhằm thực hiện chiến lược này, Trung Quốc đã tích lũy những vũ khí tối tân như tên lửa dẫn đường chính xác tầm xa nhằm vào các căn cứ quân sự và tàu chiến của Mỹ trong khu vực, những tàu ngầm siêu êm, cùng năng lực tác chiến mạng và tác chiến không gian - vũ trụ.
Phía Mỹ đang nhằm vào các chiến lược có thể đối phó nỗ lực “A2/AD” của Trung Quốc. Trong đó có chiến lược tác chiến Không - Biển với các đợt tấn công phủ đầu các mục tiêu trên lục địa Trung Quốc, nhằm “hạ gục” các bệ phóng tên lửa và các trung tâm chỉ huy – kiểm soát.
Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung không bao giờ được chính thức nói ra. Mỹ tránh mô tả Trung Quốc như một mối đe dọa về quân sự, mà chỉ là muốn Trung Quốc đảm nhận vai trò lớn hơn và “có trách nhiệm” trong các vấn đề toàn cầu.
Còn Trung Quốc, vẫn “hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương”. Trong cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Trung 2013 (Sunnylands, California), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh mong muốn “một kiểu quan hệ nước lớn mới” với Mỹ.
Sự lạc quan một cách thận trọng được ông Daniel Russel, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương phản ánh trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ gần đây.
Ông Russel bác bỏ quan điểm cho rằng, Mỹ và Trung Quốc đang trong một cuộc Chiến tranh Lạnh và kết thúc trong xung đột.
Theo The Wall Street Journal/TPO