Trung Quốc xây radar ở bốn đảo

Chuyến thăm tuần này của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ không bao gồm cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter như chương trình dự kiến ban đầu.

Ảnh vệ tinh chụp ngày 9-2 cho thấy Trung Quốc xây radar trên đá Gạc Ma. Ảnh: CSIS

Ngày 22-2 (giờ địa phương), người phát ngôn Lầu Năm Góc đã thông báo như trên.

Trong khi đó, báo Washington Free Beacon đưa tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Anna Richey-Allen khẳng định trong cuộc gặp với ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ nói chuyện thẳng thắn về vấn đề Trung Quốc triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Bà nhận xét Mỹ lo ngại quyết định triển khai tên lửa của Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng khu vực.

Bà cho biết chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục khuyến khích các bên tranh chấp làm rõ yêu sách chủ quyền theo luật pháp quốc tế và cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm sử dụng cơ chế trọng tài.

Trong khi đó, báo Washington Post cùng ngày 22-2 đưa tin Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã cung cấp cho báo hình ảnh vệ tinh của Công ty DigitalGlobe.

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc có thể đang xây radar trên bốn đảo nhân tạo ở Trường Sa gồm đá Gaven (ảnh chụp ngày 12-2), đá Gạc Ma (ảnh chụp ngày 9-2), đá Tư Nghĩa (ảnh chụp ngày 7-2) và đá Châu Viên (ảnh chụp ngày 24-1).

Trang web USNI News (Học viện Hải quân Mỹ) nêu rõ ảnh vệ tinh cho thấy một cột cao gần 20 m dựng trên đá Châu Viên trông giống radar tần số cao.

Chuyên gia Gregory Poling phụ trách tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (CSIS) xác nhận Trung Quốc đang xây dựng radar tần số cao trên đá Châu Viên.

Ông giải thích Trung Quốc bố trí radar trên đá Châu Viên vì đây là vị trí chiến lược tốt nhất do đá Châu Viên là điểm cực nam của các thực thể Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa.

Tại vị trí này, radar có thể cảnh báo sớm khi phát hiện tàu thuyền hay máy bay đến từ eo biển Malacca hay từ phía nam như Singapore đến.

Như vậy radar sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng kiểm soát tàu thuyền và máy bay trên biển Đông.

Chuyên gia Gregory Poling khẳng định: “Điều này rất quan trọng trong chiến lược chống xâm nhập của Trung Quốc nhằm giảm khả năng hoạt động tự do trong khu vực biển Đông của Mỹ, kể cả đưa lực lượng đến biển Đông nếu xảy ra khủng hoảng ở Đông Bắc Á”.

Ông nhận xét các thiết bị Trung Quốc bố trí ở Trường Sa đều phục vụ hai mục tiêu dân dụng và quân sự và trên thực tế radar trên đá Châu Viên sẽ phục vụ cho mục đích quân sự.

Trang web USNI News nhận định radar trên đá Châu Viên có nguy cơ đe dọa máy bay của Mỹ và các đồng minh tương tự như hệ thống cảnh báo tầm xa (DEW) Mỹ đã bố trí vào thời chiến tranh lạnh nhằm dò tìm máy bay ném bom của Liên Xô.

Trung Quốc đã bố trí mạng lưới radar tương tự ở ven biển Trung Quốc để dò tìm máy bay tàng hình. Như vậy radar trên đá Châu Viên có thể kết nối dữ liệu với mạng lưới radar ven bờ để xác định mục tiêu và giúp Trung Quốc kịp thời triển khai tên lửa phòng không.

Đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một trong bảy thực thể Trung Quốc bồi đắp trái phép thành các thực thể nhân tạo ở biển Đông và xây ba đường băng trên các đảo. Công trình bồi đắp đá Châu Viên gần như đã hoàn thành, nâng diện tích lên 21 ha. Chuyên gia Gregory Poling khẳng định máy bay dân dụng chẳng cần đến đường băng dài tới 3.000 m và hoạt động thương mại hàng hải cũng không cần đến radar tần số cao.

Tiêu điểm

Nếu tôi ở Trung Quốc, đó là cái tôi muốn bố trí để tôi có thể giám sát các đầu mối hàng hải và hàng không. Radar (trên đá Châu Viên) có thể được dùng để dò tìm các máy bay khó phát hiện bằng radar hoạt động theo tần số thông thường.

Chuyên gia BRYAN CLARK thuộc Trung tâm Thẩm định Chiến lược và Ngân sách (Mỹ) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm