Trung tâm dạy trẻ tự kỷ Tâm Việt có giấy phép hoạt động?

Hai ngày nay, báo chí đưa hàng loạt những thông tin, hình ảnh về việc giáo viên của Trung tâm Đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt có hành vi không đúng mực với học sinh. Cơ sở này cũng bị cho là để học sinh sinh hoạt không sạch sẽ và nhiều vấn đề bất cập khác. Điều này gây xôn xao các gia đình có con em là trẻ tự kỷ.

Ngày 30-10, trao đổi với PLO, Giám đốc của Trung tâm này là ông Phan Quốc Việt cho biết đã tiến hành kỷ luật đối với giáo viên có hành vi không đúng mực trên.

Một buổi tập luyện của trẻ tự kỷ tại Trung tâm Tâm Việt. Ảnh: VIETNAMNET

Ông Việt cho biết Trung tâm Tâm Việt tại cơ sở Trường Đại học TDTT Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) đã được chuyển về Phòng khám chữa bệnh huyện Đông Anh (thuộc Trung tâm Hội chữ thập đỏ Việt Nam) từ cuối tháng 9 vừa qua

Hiện tại, Trung tâm Tâm Việt ở Đông Anh đang có khoảng 40 trẻ với 5 giáo viên chính thức. Hàng tháng, mỗi trẻ sẽ phải đóng phí từ 0 đồng đến 15 triệu đồng, tùy trẻ. Đặc biệt, ngoài các giáo viên chính thức còn có thêm các cộng tác viên và những huấn luyện viên đặc biệt. Những huấn luyện viên đặc biệt này thực chất chính là học sinh đang theo học tại Tâm Việt.

"Những huấn luyện viên này là học sinh của Trung tâm. Mỗi em có thế mạnh và điểm yếu riêng. Điểm yếu thì sẽ được Trung tâm huấn luyện thêm còn điểm mạnh thì phải để cho những em đó phát huy, kèm cặp thêm cho những em khác. Tùy theo năng lực mà các em này sẽ được giảm chi phí khi theo học tại đây. Như khi mới vào phải đóng 7 triệu đồng thì có thể giảm dần cho đến khi không phải đóng thêm đồng nào. Cái này tuyệt vời nhất là có đầu ra", ông Việt nhấn mạnh.

Khi hỏi về giấy phép hoạt động của Trung tâm Đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt, ông Việt luôn tìm lý do không trả lời.

Ông Phan Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Tâm Việt. Ảnh: LH

Theo một phụ huynh từng có con theo học tại đây là chị N.T.H, mẹ bé Bi (12 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), vào cuối tháng 3-2018, trường bé Bi đang theo học phải chuyển địa điểm, cách xa nhà nên phải tìm trường mới. Được bạn bè giới thiệu, gia đình chị quyết định cho con theo học tại Trung tâm Tâm Việt. Khi đó Trung tâm Tâm Việt vẫn đang hoạt động ở trong tòa nhà của trường ĐH Thành Đô thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội. Học phí trọn gói của Bi tại đây là 9,8 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, mới nhập học không lâu, đến cuối tuần xuống đón con về nhà, trong lúc tắm rửa cho con, chị H. mới phát hiện ra Bi có vết bầm tím trên người. "Vết bầm đó cực to ở trên vai, trên tay, ở thân mình. Thầy cô không hề thông báo cho gia đình và khi hỏi lại thầy cô mới nói là Bi bị bạn cắn. Đến tuần sau, Bi lại xuất hiện vết bầm, hỏi thầy cô mới nói là Bi bị ngã", chị H. bức xúc kể lại.

Chưa dừng lại ở đó, vào một ngày giữa tuần khi bà nội của cháu Bi xuống thăm và dẫn Bi xuống sân trường chơi, nơi các cháu hay tập luyện thì bị một con chó tấn công, cắn vào người phải đi tiêm phòng.

Cũng theo chia sẻ của gia đình, quá trình bé Bi theo học tại Trung tâm Tâm Việt hoàn toàn không có thủ tục gì chứng minh việc giao nhận trẻ. Phụ huynh chỉ đưa con đến đó rồi về, không có sổ sách, không có giấy khai sinh, không hộ khẩu photo, không ghi chép biên nhận.

"Sau hai tháng cho con học nội trú tại đây, gia đình tôi thấy có quá nhiều vấn đề bất cập về cơ sở vật chất, về an toàn sức khỏe, chế độ ăn ngủ… nên quyết định không cho con tiếp tục theo học nữa”, chị H. cho hay.

Chiều 30-10, PLO đã liên hệ với UBND xã Đông Hội để xác minh hoạt động liên kết giữa Trung tâm Tâm Việt và Phòng khám Đa khoa Chữ thập đỏ Đông Anh, song UBND xã hẹn sẽ thông tin sau.

Cùng ngày, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết trước những thông tin này, Cục đang khẩn trương xác minh. Sau đó, Cục sẽ đề nghị Sở LĐ-TB-XH Bắc Ninh tổ chức tiến hành thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em nếu có.

Trao đổi thêm với PLO, bà Trần Thị Hoa Mai, Phó chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, cho biết thời gian qua đã nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh gửi con ở Trung tâm Tâm Việt về việc cơ sở vật chất tồi tàn, bữa ăn thiếu dinh dưỡng, thiếu vệ sinh; chế độ tập luyện không phù hợp, tập các động tác thăng bằng nguy hiểm mà không có đồ bảo hộ, việc chăm sóc y tế không tốt; nhiều cháu ốm bệnh, sút cân, tinh thần hoảng hốt. Tâm Việt còn thường khuyến cáo phụ huynh hạn chế thăm con và đón con về nhà, nhất là trong tháng đầu tiên. 

Do đó, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam đã có kiến nghị các cơ quan chức năng, các cơ quan khoa học... xác minh làm rõ cơ sở pháp lý về quá trình hoạt động của Trung tâm Tâm Việt; Trung tâm Tâm Việt có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nhân sự và điều kiện cơ sở vật chất đúng pháp luật để mở một trường nội trú cho trẻ khuyết tật hay không. Các cháu được giáo dục theo chương trình nào và có được bảo đảm an toàn, sức khỏe, tâm lý, các nhu cầu đặc biệt của người khuyết tật cũng phải được làm rõ.

Trước đó, một cháu bé 10 tuổi đã qua đời ngay sau khi vào Trung tâm Tâm Việt được 3 tuần. Cháu bé được gia đình gửi nội trú tại Tâm Việt (cơ sở đặt tại trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn, Bắc Ninh) từ tháng 5-2019. Đến ngày 10-6, cháu được nhân viên Tâm Việt đưa đến Trung tâm y tế Từ Sơn, sau đó chuyển lên Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh nhưng không qua khỏi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới