Trùng tu, nâng cấp các di tích gắn với sự kiện tết Mậu Thân 1968

(PLO)- Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM đã cảm ơn ban quản lý Đình An Phú và Chùa Châu Hưng (TP Thủ Đức) đã góp công góp phần gìn giữ, lưu truyền di tích TP cho thế hệ mai sau...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM cùng đoàn công tác của sở đã có cuộc khảo sát thực tế các di tích ở TP Thủ Đức về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá.

Qua khảo sát tại di tích lịch sử Đình An Phú (ấp 3, phường An Phú, TP Thủ Đức) và Chùa Châu Hưng (số 37, đường Cây Keo, khu phố 1, phường Tam Phú, TP Thủ Đức), ông Thuận bày tỏ sự vui mừng khi ban quản lý làm việc rất chu đáo và trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ các di tích gắn liền với chiến dịch xuân Mậu Thân 1968 của dân tộc.

Nghiên cứu kỹ, tránh xây rồi lại ngập

Di tích lịch sử Đình An Phú được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19, cách đây khoảng 250 năm. Trải qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa nhưng quy mô và kiểu dáng đình vẫn mang kiến trúc cổ xưa của miền quê Nam Bộ.

Đình An Phú, cơ sở cách mạng suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ảnh: VÕ THƠ

Đình An Phú, cơ sở cách mạng suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ảnh: VÕ THƠ

Phó ban quản lý đình, ông Nguyễn Hữu Tâm tự hào kể lại: "Đình An Phú là cơ sở cách mạng suốt hai thời kỳ chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Nơi đây từng là trạm thông tin liên lạc đưa rước cán bộ, nơi dừng chân của các lực lượng vũ trang Thủ Đức và Sài Gòn liên tục đánh phá địch ngay sát Sài Gòn và đưa vũ khí vào nội thành chuẩn bị cho cuộc đánh lớn vào Sài Gòn trong dịp tết Mậu Thân năm 1968".

Ngoài ra, Đình An Phú còn là “nhân chứng” của nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu như: Hoạt động sôi nổi, rầm rộ của phong trào thanh niên tiền phong để chuẩn bị giành chính quyền năm 1945, sự ra đời của chính quyền Việt Minh. Đặc biệt không thể không nhắc đến cuộc tấn công và nổi dậy của quân và dân ta dịp tết Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM và ông Nguyễn Hữu Tâm trao đổi về lịch sử ngôi Đình. Ảnh: VÕ THƠ

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM và ông Nguyễn Hữu Tâm trao đổi về lịch sử ngôi Đình. Ảnh: VÕ THƠ

Khi được Giám đốc Sở VH&TT hỏi về vấn đề Đình An Phú hiện nay đang gặp khó khăn gì? Ông Nguyễn Hữu Tâm cho biết trước đây Đình cũng đã nâng cấp hiên lên 1,2m nhưng vẫn ngập.

"Hệ thống thoát nước ở đây không được tốt nên hễ mưa là ngập, không chỉ đình mà nguyên vùng này cũng ngập. Mỗi lần mưa lớn là phải kê đồ đạc lên cao nếu không thì hư hết, ngấm bùn, sình dọn dẹp rất mất thời gian.

Ngoài ra, cái mái cũng xuống cấp nghiêm trọng, mưa lâm râm thì không sao còn mưa lớn là dột ướt hết sàn" – Ông Tâm nói.

Đáp lại lời ban quản lý Đình, ông Trần Thế Thuận cho rằng: "Vùng đất An Phú là một trong sáu xã vùng bưng nên ngập, mối mọt là điều không tránh khỏi.

Ban quản lý Đình phối hợp với Ban quản lý dự án TP Thủ Đức rà lại hồ sơ, khảo sát lại giá, nghiên cứu kỹ tránh xây rồi lại ngập.

Phòng văn hóa TP Thủ Đức cùng trao đổi với ban quản lý dự án TP Thủ Đức để nhanh chóng đề xuất báo cáo và khẩn trương thực hiện. Làm cho đầy đủ, kỹ lưỡng từ kỹ thuật cho đến yếu tố tín ngưỡng tâm linh" – ông Thuận đề nghị.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Tâm cho biết thêm người dân địa phương đa phần là người trẻ, mới chuyển đến. Ông Tâm cho biết: "Họ đi làm rồi về, cửa nhà ai nấy đóng. Do đó, tôi cũng như ban quản lý Đình cũng rất trăn trở việc tìm người kế nhiệm. Sau này khi chúng tôi về già liệu có còn ai để tiếp nối chăm lo cho đình".

Sân đình trước đây được nâng lên 1,2m nhưng vẫn bị ngập khi trời mưa. Ảnh: VÕ THƠ

Sân đình trước đây được nâng lên 1,2m nhưng vẫn bị ngập khi trời mưa. Ảnh: VÕ THƠ

Để giải đáp trăn trở của ban quản lý Đình, ông Trần Thế Thuận gợi ý ban quản lý Đình cần huy động, kết nối với người mới.

"Mình tìm những người mà trước đây cũng làm công tác quản lý di tích, kết nối với họ để cùng nhau góp sức, góp công giữ gìn di tích của địa phương, của TP" – ông Thuận gợi ý.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Chùa Châu Hưng

Chùa Châu Hưng do Hòa thượng Thích Huệ Nhị tạo lập năm 1844. Chùa được xây dựng mới hoàn toàn vào năm 2006 đến năm 2009 thì hoàn thành. Chùa Châu Hưng được dựng theo mô típ của văn hóa Trung Quốc, thông thoáng, hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Chùa Châu Hưng từng là cơ sở của cách mạng, là nơi nuôi dưỡng, tiếp tế lương thực, cung cấp tình hình địch. Nơi đây là điểm hội họp của cán bộ - chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đặc biệt trong chiến dịch Mậu Thân 1968, nhiều Tăng ni, Phật tử của Chùa cưu mang, đùm bọc và là chỗ dựa vững chắc của cách mạng cho đến ngày thống nhất đất nước.

Hiện nay, được Ban trị sự bảo quản, tôn tạo, phát huy tốt giá trị di tích, Chùa Châu Hưng tiến hành xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong chùa để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử Chùa cũng như tạo điểm mới thu hút khách tham quan.

Ông Trần Thế Thuận cùng đoàn công tác của sở thắp nhang tại Chùa Châu Hưng. Ảnh: VÕ THƠ

Ông Trần Thế Thuận cùng đoàn công tác của sở thắp nhang tại Chùa Châu Hưng. Ảnh: VÕ THƠ

Về dự định xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong chùa, ông Thuận gợi ý: "Trong Nhà truyền thống thì gian chính thờ Bác, tả hữu hai bên thờ chiến sĩ đồng bào, thiết kế hình ảnh trên vách, đặt kỷ vật… cho sinh động.

Bên cạnh đó, cần thêm cái mới là những hình ảnh tư liệu. Bởi vì, các hình ảnh, tư liệu trong chiến tranh mất mát rất nhiều do đó khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin để thu thập và lưu trữ các tài liệu.

Tạo mã QR để người tham quan quét để biết thêm thông tin hiện vật, tiểu sử của một người, quá trình lịch sử của Chùa thăng trầm như thế nào, Phật pháp đồng hành cùng dân tộc ra sao?…" - Ông Thuận bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông cũng góp ý cho Chùa cần tạo được sự khác biệt giữa không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Phật giáo với giáo dục hay doanh nghiệp...

Đoàn khảo sát tham quan quang cảnh chùa. Ảnh: VÕ THƠ

Đoàn khảo sát tham quan quang cảnh chùa. Ảnh: VÕ THƠ

"Chúng ta phải tìm sách, tư liệu về Bác gắn với Phật giáo, những tấm gương tiêu biểu của các vị Tăng ni, Phật tử hay những câu chuyện thực tế để làm phong phú cho nhà truyền thống"- ông Thuận chia sẻ.

Qua khảo sát thực tế hai di tích lịch sử, ông Trần Thế Thuận đánh giá cao nỗ lực gìn giữ di tích của các ban quản lý. So với nhiều di tích khác trong TP, Đình An Phú 250 tuổi vẫn giữ được nét uy nghi vốn có hay chùa Châu Hưng vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật, cổ vật đa dạng.

Ông cũng bày tỏ lòng biết ơn các ban quản lý Đình An Phú và Chùa Châu Hưng đã góp công góp phần gìn giữ, lưu truyền di tích TP cho thế hệ mai sau học tập và tiếp tục phát huy.

Đồng thời, ông mong muốn chính quyền địa phương cần quan tâm, phối hợp với ban quản lý Đình An Phú và Chùa Châu Hưng trong công tác trùng tu, đổi mới cho di tích nhân kỷ niệm 55 năm (1968-2023) cuộc nổi dậy Xuân Mậu Thân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm