Trường học cấm cửa nước ngọt có ga

Ngày 21-12, Chính phủ ban hành Chỉ thị 46/CT-TTg về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới. Chỉ thị có nội dung: “Không kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga trong trường học”.

Bán đầy trong căn tin trường học

Khảo sát của PV báo Pháp Luật TP.HCM gần đây cho thấy nước ngọt có ga là mặt hàng không thể thiếu trong căn tin các trường học trên địa bàn TP.HCM.

Tại căn tin một trường tiểu học trên địa bàn quận Gò Vấp, nước ngọt có ga đủ loại được bày bán với giá mỗi chai, mỗi lon từ 7.000 đến 15.000 đồng. Giờ ra chơi, cứ năm học sinh (HS) thì có hai em mua nước ngọt có ga uống. Theo quan sát của PV, hầu hết HS mua nước ngọt có thể trạng mập mạp, béo phì. “Cháu quen uống nước ngọt rồi. Mỗi ngày cháu uống ít nhất bốn lon. Trong tủ lạnh nhà cháu lúc nào cũng có sẵn” - một HS lớp 4 vô tư nói.

Nghe PV hỏi nước ngọt có ga mỗi ngày bán được nhiều không, chủ căn tin hí hửng: “Tụi nhỏ ngày càng khoái nước ngọt nên bán chạy lắm. Có đứa mua cùng lúc hai lon mang vô lớp uống”.

Tương tự, căn tin một trường THCS trên địa bàn huyện Hóc Môn cũng bán rất nhiều loại nước ngọt có ga với giá không cao. Đây cũng là mặt hàng được HS mua nhiều nhất trong giờ ra chơi.

Trao đổi với PV, hiệu trưởng trường này chia sẻ: “Tôi biết rất rõ nguyên nhân khiến HS mau béo phì là do uống nước ngọt. Tuy nhiên, nhà trường không thể cấm mà chỉ có thể khuyên HS hạn chế uống. Nhà trường cũng khuyến cáo căn tin hạn chế bán nước ngọt cho HS nhưng không dễ thực hiện bởi nước ngọt là nguồn thu nhập không nhỏ”.

Trẻ thừa cân, béo phì do uống nước ngọt có ga ngày càng tăng. Ảnh: TRẦN NGỌC

15% trẻ em cao huyết áp

“Đồ uống có cồn thuộc nhóm rượu bia. HS sử dụng sẽ gây kích thích và có những hành động không kiểm soát, ảnh hưởng bản thân và những người xung quanh” - TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP.HCM, chia sẻ.

Đối với nước ngọt có ga, TS Đồng cho rằng đa phần mặt hàng này chỉ gồm đường, hương liệu, màu… pha chung rồi bơm ga vào. “Nước uống có ga không chứa dinh dưỡng, chủ yếu tạo thêm năng lượng và làm đã cơn khát. Tuy nhiên, sau đó cơn khát mau quay lại và HS tiếp tục uống để đã cơn khát. HS càng uống khiến dư lượng càng tăng, dẫn đến thực trạng béo phì, dư cân. Béo phì, dư cân lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường và tim mạch sau này” - TS Đồng lưu ý.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết thêm nước ngọt có ga chứa thành phần có tác dụng kích thích trẻ tỉnh táo, sảng khoái. Chất này tích lũy có thể làm trẻ bị lệ thuộc, dẫn đến ghiền. “Lạm dụng nước ngọt có ga còn có thể kích thích thần kinh khiến trẻ ít ngủ. Trong khi đó, giấc ngủ đầy đủ sẽ giúp trẻ tăng trưởng tốt hơn” - BS Diệp nói.

Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao. Tỉ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh, nhất là ở khu vực thành thị.

(Nguồn: Chỉ thị 46/CT-TTg về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới) 

Theo BS Diệp, nước ngọt có ga chứa nhiều đường khiến trẻ dễ mất cân bằng về dinh dưỡng. Điều này dẫn đến tình trạng trẻ quá mập hoặc quá gầy. “Uống nước ngọt nhiều làm trẻ no ngang. Đến bữa chính không ăn được nhiều nên thiếu dinh dưỡng, gầy còm. Một số trẻ khác lại kích thích vị giác nên ăn nhiều hơn, dẫn đến béo phì. Tuy nhiên, trẻ bị thừa cân, béo phì do lạm dụng nước ngọt có ga luôn chiếm đa số” - BS Diệp nhận định.

BS Diệp cho biết thêm nghiên cứu của BV Nội tiết Trung ương và Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho thấy trẻ nam bị thừa cân, béo phì nhiều hơn trẻ nữ. HS tiểu học bị thừa cân, béo phì nhiều nhất. Kế đến là HS bậc THCS và THPT. “Điều đáng nói thừa cân, béo phì đang gia tăng với cấp độ chóng mặt. Điều này khiến 15% trẻ em bị tăng huyết áp. Chưa hết, nghiên cứu còn ghi nhận không ít trường hợp trẻ em đã bị đái tháo đường tuýp 2” - BS Diệp nói.

Hiện chúng tôi chưa nhận được văn bản bút phê của lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM liên quan đến Chỉ thị 46/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Một khi nhận được chỉ thị trên, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ rồi đưa ra quyết định thực hiện.

Ngành giáo dục TP.HCM hiện vận động căn tin các trường học trên địa bàn không bán nước ngọt có ga cho HS. Bên cạnh đó, các trường cũng đã phối hợp cùng phụ huynh khuyến cáo HS hạn chế tối đa uống nước ngọt có ga. Đặc biệt là HS có thể trạng thừa cân, béo phì.

Ông NGUYỄN VĂN GIA THỤYPhó Trưởng phòng Công tác chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm