Trường hợp nào Việt kiều phải xin giấy xác nhận là người gốc Việt Nam?

(PLO)- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài xin giấy xác nhận là người gốc Việt khi cần thực hiện các thủ tục, giao dịch mà pháp luật chuyên ngành điều chỉnh có yêu cầu giấy này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gửi câu hỏi tới PLO, chị Đinh Thị Thu Sương (quận 3, TP.HCM) cho biết mình là Việt kiều có quốc tịch Pháp (có ba mẹ là người Việt và hiện còn giấy khai sinh ở Việt Nam). Hiện tại chị đang được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (GCN) do cho cha mẹ tặng cho.

Ngoài được đứng tên trên GCN thì chị còn được lãnh sứ quán Việt Nam tại nước ngoài cấp giấy miễn thị thực năm năm.

Liên quan đến vấn đề quốc tịch, chị Sương thắc mắc: Trường hợp của chị thì khi nào phải xin giấy xác nhận là người gốc Việt Nam?

Trao đổi với PLO, Luật sư Lê Văn Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết theo quy định của Luật Quốc tịch thì chị Sương thuộc trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài (có gốc Việt Nam).

Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 5 Nghị định 99/2015 thì điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam là có giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Do chị Sương đã được cơ quan có thẩm quyền cập nhật, sang tên trên GCN nên chắc chắn trong hồ sơ xin cấp GCN phải có giấy xác nhận là người gốc Việt hoặc giấy tờ khác chứng minh là người gốc Việt (giấy khai sinh tại Việt Nam, cha mẹ là người Việt Nam).

Đối với trường hợp miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nếu công dân có giấy tờ chứng minh được mình là người gốc Việt thì theo quy định tại các Điều 2, Điều 3, Điều 4 Nghị định 82/2015 thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp giấy miễn thị thực có thời hạn tối đa không quá năm năm và ngắn hơn thời hạn sử dụng của hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của người được cấp ít nhất 06 tháng. Thực tế chị Sương đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy miễn thị thực năm năm.

Như vậy, có thể thấy tuỳ vào từng thủ tục, giao dịch khác nhau mà sẽ có những luật chuyên ngành điều chỉnh khác nhau áp dụng cho đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Do đó, giấy xác nhận là người gốc Việt Nam sẽ bắt buộc nếu như pháp luật chuyên nghành điều chỉnh giao dịch, mối quan hệ đó yêu cầu phải có hoặc cũng có những giao dịch, thủ tục người Việt Nam định cư tại nước ngoài chỉ cần cung cấp những giấy tờ có giá trị tương đương để chứng minh mình là người gốc Việt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm