Trưởng thành của trò là hạnh phúc của thầy

Thầy giáo Trần Văn Long (Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Tân Bình, TP.HCM) đã rơi nước mắt khi chia sẻ những câu chuyện xúc động về tình thầy trò tại buổi giao lưu do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 19/11. Ảnh: baomoi

Tại buổi Gặp mặt giao lưu với các nhà giáo ưu tú do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức sáng 19-11, thầy Long cho biết hơn 30 năm đứng lớp, với thầy Long sự trưởng thành của học trò mới là niềm hạnh phúc lớn nhất chứ không phải những tấm bằng khen. Đi lên từ hoàn cảnh thiếu may mắn, cha mẹ của thầy đều bị bệnh nặng phải nằm một chỗ, thầy trở thành trụ cột của gia đình khi chỉ mới 11 tuổi. Chính điều này đã khiến thầy thấu hiểu hơn những học trò của mình, nhất là những học trò nghèo.

Thầy xúc động kể: “Suốt 30 năm qua, tôi vẫn nhớ như in về em học sinh tên Thanh Quang, có biệt danh “đại bàng” vì quậy phá, không chịu học hành, bị bạn bè xa lánh. Lân la tìm hiểu, tôi đau lòng khi thấy nhà em rất khó khăn, mẹ bỏ đi khi em còn nhỏ, còn người bố lại nghiện rượu. Vì bố hay đánh đập, em luôn bị bạn bè trêu chọc nên em tỏ ra rất lì lợm, thậm chí mang theo dao trong cặp để dọa bạn mỗi khi bị ăn hiếp. Tôi đã chủ động gặp và nói chuyện với em, lúc rảnh tôi còn phụ đạo thêm cho em, mua cho em mẩu bánh mì ăn sáng với mong muốn em được chia sẻ để đổi thay. Khi hết lớp 5, tôi gần như không gặp em nữa. Trong một lần tình cờ tôi giật mình khi biết em đã nghỉ học, đầu cắt trọc, ăn chơi lêu lổng cùng đám bạn hè phố. Vô tình gặp nhưng em vẫn cúi chào tôi. Vì thương hoàn cảnh em, tôi đã giới thiệu em vào phụ việc và học nghề tại một tiệm cắt tóc của một người bạn. Chỉ không lâu sau, em đã trưởng thành, gom góp được ít vốn để mở tiệm cắt tóc giữa TP”.

“Ngày khai trương, tôi phải bật khóc khi thấy tên biển hiệu là Thanh Long. Em ghép tên hai thầy trò vì em coi tôi không chỉ là người thầy mà còn là người cha, người cứu vớt em ra khỏi bế tắc trong cuộc đời. Tôi không nghĩ việc mình làm lại lớn lao như thế” - thầy Long xúc động kể.

Còn cô học trò Diễm Quỳnh thì đã khiến người thầy này phải khóc chỉ vì đã trách nhầm trò. Thầy Long cho biết Quỳnh luôn ngồi trong lớp ngủ gật và không bao giờ chịu làm bài tập hay chú ý học bài. Không ít lần thầy phải nhắc nhở, nói nặng lời với em ngay tại lớp. Sau đó một thời gian, thầy Long vô tình biết được học trò này không có cha, mẹ già yếu lại hay bệnh tật. Để phụ mẹ, em phải cùng dì đi hát khắp nơi để kiếm tiền nuôi mẹ.

“Khi biết hoàn cảnh em, tôi đã khóc và chỉ biết ôm em vào lòng nói lời xin lỗi. Tôi khóc không phải vì thương em mà vì trách tôi đã không hiểu hoàn cảnh của em để rồi la mắng em trước nhiều bạn bè. Có lẽ em đã rất buồn và cô đơn lắm” - thầy Long ngậm ngùi kể.

Câu chuyện của thầy Long khiến nhiều nhà giáo có mặt tại buổi giao lưu không khỏi nghẹn ngào. Thầy Long luôn tâm niệm người giáo viên không chỉ dạy các em kiến thức mà còn phải thấu hiểu con người và hoàn cảnh của các em, giúp đỡ các em.

Đồng cảm với thầy Long, cô Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Sài Gòn, cũng chia sẻ hơn 30 năm công tác, điều khiến cô trăn trở nhiều nhất là làm sao để hiểu được học trò, hiểu được tâm lý và hoàn cảnh của các em. Cô vẫn luôn nhắc nhở các giáo viên trong trường rằng hãy luôn niềm nở với học trò nếu muốn học trò cũng niềm nở, vui vẻ với mình và mọi người.

Cũng trong dịp này, Sở GD&ĐT TP đã trao tặng bằng khen cho 24 giáo viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đến nay toàn TP đã có 214 nhà giáo được tặng danh hiệu này.

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm