"Tôi xin chia sẻ với đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Chính phủ giao cho bộ một việc quá khó. Vì sao yêu cầu Bộ TNMT chỉ ra những khoản chi phí nào được dùng khi làm các phương pháp định giá đất?" - TS Vũ Đình Ánh phát biểu trong Hội thảo "Định giá đất: đúng và đủ" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 14-6 tại TP.HCM.
Khó khăn thuê đơn vị định giá đất
Theo ông Ánh, cơ quan Nhà nước, mà cụ thể là Bộ TNMT - cơ quan soạn thảo Nghị định quy định về giá đất, hướng dẫn thi hành luật Đất đai 2024 rơi vào tình huống cực khó vì phần định giá lại không thuộc Bộ TNMT mà thuộc Bộ Tài chính. Các công ty về thẩm định giá cũng do Bộ Tài chính cấp phép.
"Đúng ra quy định về các phương pháp định giá đất này nên do Bộ Tài chính thực hiện" - ông Ánh thẳng thắn góp ý.
Ngoài ra, ông Ánh cũng cho rằng dự thảo Nghị định về giá đất, định giá đất (đang được Bộ TNMT xây dựng) cần có các quy định về việc ai chịu trách nhiệm khi dùng kết quả định giá đất để sử dụng vào các mục đích sau này.
"Tôi nghĩ đây là vấn đề then chốt. Định giá đất là việc của công ty định giá nhưng vấn đề của cơ quan quản lý là thiết lập cơ chế để các công ty định giá thực hiện, không dám làm sai..." - ông Ánh nói.
Nói tiếp về các công ty thẩm định giá đất, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết nhiều dự án bị tắc khi tính tiền sử dụng đất vì không có đơn vị tư vấn.
"Khi không có đơn vị tư vấn nào nhận làm thì chắc chắn hệ thống pháp luật của chúng ta đang có vấn đề. Họ thành lập đơn vị tư vấn để thực hiện tư vấn thẩm định giá, có thu phí, thế nhưng bây giờ dù mời 10 lần, 20 lần... họ cũng không tham gia. Vậy vấn đề nằm ở đâu?" - ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho rằng cần tìm ra vấn đề để tháo gỡ cho đơn vị tư vấn cũng như cơ quan nhà nước.
Vẫn còn nhiều lúng túng
Một câu chuyện khác là khi Luật Đất đai mới có hiệu lực (từ 1-8) thì những dự án trước đó sẽ xử lý như thế nào. Quyết định giao đất trải dài từ năm 2013 tới 2023, những dự án giai đoạn này với gần 60.000 căn nhà của người dân bị vướng cần gỡ nên phải có hướng dẫn cụ thể của cơ quan nhà nước.
"Hiện có đến 125 dự án đang chào thầu các công ty tư vấn thẩm định giá. Có dự án chào không dưới 30 lần vẫn không thuê được tư vấn. Có dự án đã thuê đơn vị tư vấn nhưng sau đó tư vấn đành bỏ cuộc vì nhiều lý do" - ông Nguyễn Như Bình - Trưởng phòng Kinh tế đất - Sở TNMT TP.HCM chỉ ra.
Theo ông Bình, có dự án đã thuê tư vấn, sau đó tư vấn làm hồ sơ, lập chứng thư gửi lên Hội đồng thẩm định giá đất TP thì lại gặp vướng mắc. Các chuyên viên của Hội đồng thẩm định giá đất xem xét hồ sơ và trả về vì nhiều nội dung chưa phù hợp.
TP.HCM có hàng trăm dự án "trùm mền" vì vướng xác định giá đất và các cơ quan quản lý đã nhiều lần có ý kiến vấn đề này. Trong đó, nhiều dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất... từ nhiều năm trước vẫn chưa được định giá đất, dẫn đến tồn đọng kéo dài.
Ông Nguyễn Như Bình - Trưởng phòng Kinh tế đất - Sở TNMT TP.HCM
Ông Nguyễn Đắc Nhẫn - Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ TNMT thông tin: "Ttrong quá trình sửa đổi từ Nghị định 44 tới Nghị định 10, Nghị định 12 (các nghị định về giá đất) và tới nay, khi soạn thảo dự thảo nghị định về giá đất, Bộ TNMT đã rất nỗ lực, cố gắng bám sát thực tế để điều chỉnh, bổ sung các điều khoản sao cho phù hợp với thực tiễn" - thông tin thêm.
Ông Nhẫn thừa nhận trong quá trình tính giá đất vẫn còn tình trạng lúng túng trong việc chọn phương pháp định giá, lực lượng thực hiện cũng còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Các đơn vị tư vấn không dám làm vì cơ sở dữ liệu yếu, nhân lực mỏng... dẫn đến kết quả cuối cùng không chính xác, khách quan.
"Trong vấn đề định giá đất, các cơ quan quản lý như chúng tôi cũng rất trăn trở vì nếu định giá không đúng, không đủ sẽ kéo theo những hậu quả lớn cho doanh nghiệp, nhà nước và cả xã hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp thu các góp ý để xây dựng được hệ thống chính sách thông thoáng, đồng bộ" - ông Nhẫn đúc kết.