Cuộc thi do Bộ Công thương, Tập đoàn T&T Group và Amazon Global Selling phối hợp tổ chức...
Đại diện ban tổ chức chuẩn bị bấm nút phát động cuộc thi.
Ngày 10-9, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA), Bộ Công Thương phối hợp cùng Amazon Global Selling và Tập đoàn T&T Group chính thức phát động cuộc thi “Tài năng thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam 2019”.
Đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức trên toàn quốc với mục tiêu đem đến một sân chơi thiết thực và chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm kinh doanh toàn cầu thực tế dành cho sinh viên Việt Nam.
Tham gia cuộc thi, sinh viên sẽ được thể hiện các ý tưởng, kế hoạch kinh doanh liên quan tới sản phẩm, dịch vụ có thể triển khai với mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới. Ngoài ra, sinh viên cũng sẽ có cơ hội tham gia vào khóa đào tạo thương mại điện tử, xây dựng kế hoạch kinh doanh và xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Theo thể lệ cuộc thi (đăng tải chi tiết tại website: cbe.ecomviet.vn), đối tượng tham gia là các nhóm sinh viên (từ 2-4 người) đang theo học các hệ đào tạo trong trường cao đẳng, đại học của Việt Nam.
Cuộc thi mỗi năm sẽ được tổ chức một lần, thời gian chính thức bắt đầu từ tháng 9 của năm trước đến tháng 1 của năm tiếp theo (kéo dài từ 16-20 tuần).
Thời gian nhận bài dự thi sơ tuyển của cuộc thi lần 1 sẽ từ 10-9 đến 10-10, vòng chung kết dự kiến diễn ra ngày 10-1-2020. Nhóm sinh viên thể hiện các ý tưởng, kế hoạch kinh doanh liên quan tới sản phẩm, dịch vụ có thể triển khai với mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới (với giải pháp Amazon - FBA). Tùy theo chủ đề và điều kiện tổ chức hàng năm Ban tổ chức sẽ nêu tiêu chí lựa chọn địa điểm cụ thể cho cuộc thi. Chủ để năm 2019: “Chắp cho hàng Việt bay ra thị trường thế giới”.
Cuộc thi lần 1 sẽ có năm giải thưởng gồm: 1 giải nhất (50 triệu đồng); 1 giải nhì (30 triệu đồng); 1 giải ba (10 triệu đồng) và 2 giải khuyến khích (5 triệu đồng).
Đặc biệt, 10 nhóm tham gia có đề án kinh doanh xuất sắc nhất sẽ được lựa chọn và nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ iDEA, Amazon Global Selling, T&T Group, công ty Payoneer, công ty cổ phần Hợp Nhất Quốc tế, các doanh nghiệp hỗ trợ sản phẩm và dịch vụ.
Trong quá trình hiện thực hóa các ý tưởng này, các nhóm sinh viên cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Amazon Global Selling và Tập đoàn T&T Group cùng các chuyên gia bao gồm: Tập huấn, đào tạo kỹ năng bán hàng; cung cấp các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về thương mại điện tử; kinh nghiệm làm kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới; nhận tư vấn góp ý trực tiếp, phát triển kế hoạch kinh doanh và xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Tại lễ phát động, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nói: “Cuộc thi là một nỗ lực chung nhằm tăng cường nhận thức xã hội về thương mại điện tử xuyên biên giới cũng như nâng cao chất lượng nhân lực ngành, hướng đến cơ hội mở rộng phát triển kinh doanh và xuất khẩu trên toàn cầu. Đây cũng là dịp để sinh viên có cơ hội quảng bá các sản phẩm đặc trưng của quê hương mình với thị trường ngoài nước, từng bước đưa thương hiệu Việt gần hơn với thế giới.”
Chia sẻ thêm, bà Trần Kim Oanh, Giám đốc Ban Xúc tiến thương mại và đầu tư quốc tế của Tập đoàn T&T Group cho biết trước chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về cách mạng 4.0 và công tác đào tạo nguồn nhân lực số, phía T&T Group đã quyết định hợp tác với Amazon Global Selling để đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
“Với việc Amazon là nền tảng thương mại điện tử hàng đầu với hơn 300 triệu tài khoản khách hàng đang hoạt động, chúng tôi tin tưởng rằng Cuộc thi này sẽ giúp không chỉ các sinh viên trực tiếp tham gia có được những kỹ năng và kinh nghiệm quý báu về thương mại điện tử, mà còn mở ra định hướng và truyền cảm hứng cho cộng đồng sinh viên Việt Nam trong phát triển những ý tưởng kinh doanh xuyên biên giới” – bà Oanh nhấn mạnh.
Nền thương mại điện tử Việt Nam đang thể hiện sức phát triển vượt bậc khi lọt tốp 6 thị trường có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới với tổng doanh thu đạt 8 tỷ USD trong năm 2018. Mặc dù vậy, việc tận dụng lợi ích từ thương mại điện tử xuyên biên giới của các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng và chuyên môn về kinh doanh trực tuyến, logistic và thanh toán quốc tế. |