Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân...
Cụ thể, theo Nghị định 115/2018, phạt tiền từ một lần đến hai lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây:
Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật theo quy định.
Người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang bị phạt đến 3 triệu đồng. Ảnh minh họa: Internet
Đáng chú ý, nghị định quy định phạt nặng đối với trường hợp sử dụng nguyên liệu không an toàn. Cụ thể, phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10 triệu đồng. Sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng.
Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm sẽ bị phạt từ 80 triệu đến 100 triệu đồng.
Cũng theo Nghị định 115/2018, hành vi người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; đeo đồng hồ, vòng, lắc; ăn uống, hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm... cũng sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.
Cống rãnh thoát nước thải bị ứ đọng; không được che kín cũng bị phạt đến 5 triệu đồng.