Trong đó có bảy DN phát triển bền vững trên 50 năm, 19 DN phát triển bền vững từ 40 năm trở lên và 31 DN phát triển bền vững từ 30 năm trở lên.
Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ba Huân – đơn vị đạt danh hiệu 34 năm phát triển bền vững cho hay: Từ một vựa trứng gà có mặt ở thị trường TP.HCM năm 1982, để có được danh hiệu 34 năm phát triển bền vững thì trong chặng đường phát triển của Ba Huân cũng như bất cứ DN nào cũng trải qua gian nan thử thách.
“Ví dụ trong ngành chăn nuôi, sản xuất trứng gia cầm, tôi còn nhớ rõ đó là thời điểm xảy ra dịch cúm gia cầm những năm 2003, năm 2005. Người chăn nuôi gà, vịt khó khăn, có những hộ gia đình phải phá sản… Bản thân Ba Huân cũng không tránh khỏi khó khăn khi thị trường trứng gần như bế tắc đầu ra”, bà Phạm Thị Huân nhớ lại.
Với “sứ mạng” mà gia đình truyền trao, bà Huân đã quyết định ra nước ngoài tìm hiểu và khi đến một số nước như Hà Lan. Bởi dù họ cũng bị dịch cúm gia cầm nhưng ngành gia cầm vẫn phát triển nhờ có hệ thống xử lí trứng gia cầm được tự động hóa 100%.
Thường vỏ trứng có khoảng hơn 7.000 lỗ thông khí nên rất dễ nhiểm khuẩn. Qua tám bước xử lí vỏ trứng của hệ thống này giúp cho quả trứng đảm bảo an toàn.
Sau khi tiếp cận được hệ thống xử lí này và dù dịch cúm đã khiến cho Ba Huân lỗ cả 7-8 tỷ đồng nhưng bà Phạm Thị Huân vẫn quyết định nhập dây chuyền này về. Từ đó đã vực dậy được ngành chăn nuôi gia cầm sản xuất trứng...Đồng thời tiếp tục phát triển chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn.
Chẳng hạn năm 2012, Khu chăn nuôi công nghệ cao theo quy trình châu Âu có tổng diện tích 18ha, tổng đầu tư 320 tỷ đồng, gồm 22 trại gà. Trong đó có 17 trại gà đẻ trứng, 3 trại gà hậu bị và 2 trại gà giống chính thức ra đời. Ba Huân còn đầu tư một nhà máy chế biến thức ăn trong khu này để tạo thành quy trình khép kín.
Lần lượt sau đó, nhà máy thực phẩm Ba Huân ở Long An, nhà máy xử lý, chế biến trứng gia cầm công nghệ cao ở Phú Thọ (Hà Nội) ra đời giúp Ba Huân mở rộng thị trường, hoàn thiện hơn quy trình khép kín và làm phong phú, đa dạng danh mục sản phẩm, mang đến những sản phẩm dinh dưỡng cho người tiêu dùng.
“Bắt nguồn từ niềm đam mê, xem chăn nuôi trứng gia cầm như là tổ nghiệp nên dù trong hoàn cảnh gia đình khó khăn tôi vẫn cố vun đắp, xây dựng. Ngoài niềm đam mê, biết nghĩ, dám làm, dám dấn thân thực hiện thì việc đảm bảo chữ tín với người tiêu dùng, trách nhiệm với xã hội; sự giúp đỡ hỗ trợ của các cơ quan ban ngành nhà nước, các doanh nghiệp…là những gì đã giúp Ba Huân có thương hiệu bền vững như hôm nay”, bà Phạm Thị Huân chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Ngọc An Tổng Giám đốc Vissan chia sẻ, thành công của Vissan là kết quả của sự đổi mới, không ngừng sáng tạo nâng cao chất lượng sản phẩm và tự hoàn thiện mình để có thể tồn tại, phát triển trong thị trường ngành chế biến thực phẩm đầy cạnh tranh như hiện nay.
Ông cũng cho rằng thương hiệu không còn đơn thuần là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, mà cao hơn nhiều, là tài sản, uy tín của doanh nghiệp, thể hiện niềm tin yêu của người tiêu dùng đối với sản phẩm của doanh nghiệp.
Chính những điều đó đã thôi thúc Vissan xây dựng và phát triển thương hiệu một cách bền vững, lâu dài.
“Luôn xem con người là vốn quý của doanh nghiệp, trong năm qua Vissan đã có sự kiện toàn và đổi mới toàn diện về mặt nhân sự; cải tiến tác phong làm việc của từng bộ phận, từng thành viên để áp dụng quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001- 2015; HACCP một cách triệt để. Điều này đã giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh và hệ thống VSATTP của Vissan phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đạt hiệu quả cao hơn”, ông An nói.