Mới đây, dư luận vô cùng ngỡ ngàng trước thông tin nữ diễn viên từng gây dấu ấn trong bộ phim truyền hình Hương phù sa - Mai Phương (SN 1985) mắc căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối khi mới 33 tuổi.
Ung thư phổi được đánh giá là căn bệnh phổ biến cũng như tỉ lệ người mắc bệnh, tử vong ngày một tăng. TS-BS Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn BV Ung bướu Hưng Việt, trả lời Zing.vn rằng hơn 90% bệnh nhân tử vong chỉ sau một năm phát hiện bởi bệnh không dễ phát hiện ở giai đoạn sớm.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ung thư phổi như giới tính (nam chiếm ưu thế ở độ tuổi 50-70), địa lý, hút thuốc, ô nhiễm môi trường hoặc những người làm nghề như khai khoáng, tiếp xúc trực tiếp với các chất phóng xạ, khí radon cũng có nguy cơ mắc bệnh...
Theo các chuyên gia, thuốc lá chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi, đặc biệt là những người hút thuốc nhiều và trong một thời gian dài. Có đến 80% bệnh nhân ung thư phổi là những người đã và đang hút thuốc lá hoặc tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Khoảng 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà. Đó là lý do rất nhiều phụ nữ bị ung thư phổi ngay cả khi không hút thuốc.
Thực phẩm giúp làm sạch phổi
Tập thể dục, không hút thuốc và tránh môi trường ô nhiễm là cách phổ biến nhất để đảm bảo phổi được khỏe mạnh ở mỗi người. Tuy nhiên, một chế độ ăn đúng cách cũng đóng một vai trò lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cho lá phổi của bạn.
Theo Health và Boldsky, dưới đây là một số thực phẩm nên bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày để bảo vệ lá phổi của chính mình.
1. Rau họ cải
Rau họ cải chứa các chất ôxy hóa giúp cơ thể loại bỏ các độc tố. Bông cải xanh, súp lơ và bắp cải là một vài lựa chọn phổ biến cho người muốn giữ phổi khỏe mạnh.
2. Thực phẩm chứa carotene
Cà rốt ngăn ngừa bệnh hen suyễn và các tác nhân gây nên ung thư phổi. Ảnh: Internet
Carotene đã được chỉ định là chất ôxy hóa giúp ngăn ngừa những nguy cơ gây ung thư phổi. Carotene có chứa trong các loại rau quả có màu cam hoặc đỏ. Khoai lang, rau bí đỏ và mơ là những thực phẩm có lượng carotenoid cao. Đặc biệt, cà rốt là lựa chọn tuyệt vời nhờ có chứa beta-carotene chuyển hóa thành vitamin A, giúp giảm những sự cố của bệnh hen suyễn.
3. Acid béo Omega-3
Acid béo tốt cho sức khỏe tổng thể của bạn. Nhưng điều mà ít người biết là acid béo còn có lợi cho cả phổi và chống lại bệnh hen suyễn. Omega-3 có thể tìm thấy trong cá, các loại hạt và hạt lanh giúp cải thiện chức năng phổi, tăng cường chức năng phổi bằng cách làm giảm viêm đường thở.
4. Thực phẩm chứa folate (vitamin B9)
Những thực phẩm này rất tốt trong việc chống lại quá trình gây ung thư phổi và ngăn ngừa các bệnh về ung thư. Rau chân vịt, măng tây, củ cải và đậu lăng là những thực phẩm giàu folate5.
5. Tỏi
Hàm lượng allicin cao trong tỏi làm giảm viêm và chống nhiễm trùng. Nó phá bỏ các tế bào gốc tự do và có thể giúp cải thiện bệnh hen suyễn. Gần đây, một nghiên cứu từ tạp chí Nghiên cứu Phòng chống Ung thư cho biết ăn tỏi sống hai lần một tuần làm giảm một nửa nguy cơ bị ung thư phổi.
6. Thực phẩm chứa vitamin C
Vitamin C có thể tìm thấy trong ổi, cam, kiwi và ớt chuông, các loại quả có tép như cam, chanh, bưởi, nước ép rau củ và cà chua, dâu, bông cải xanh, dứa, xoài, dưa hấu. Chế độ ăn giàu vitamin C giúp phổi vận chuyển ôxy trong cơ thể dễ dàng hơn, ít có khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản và hen. Nó cũng đã được báo cáo ngăn ngừa sự xuất hiện của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, gây ra hơi thở ngắn.
7. Thực phẩm chứa magiê
Magiê là khoáng chất thường được đề nghị cho những người bị hen suyễn. Nó có thể tăng dung tích phổi và tăng hiệu quả của quá trình hô hấp. Cách dễ dàng để hấp thu khoáng chất này là ăn các loại hạt khô hoặc đậu, quả hạch...
8. Lựu
Đây là loại quả có chứa hàm lượng chất chống ôxy hóa và anthocyanin từ thực vật có đặc tính chống ung thư. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự kết hợp này đặc biệt hiệu quả trong việc làm chậm sự phát triển và sự lan rộng của các tế bào ung thư gây hại.
Lựu có các đặc tính chống lại các tế bào ung thư. Ảnh: Internet
9. Nghệ và gừng
Gừng có chức năng kháng viêm sẽ làm sạch những chất ô nhiễm còn sót lại trong phổi - nguyên nhân dẫn tới các vấn đề sức khỏe. Tương tự gừng là nghệ. Nghệ có đặc tính kháng viêm, bổ sung thêm một lượng lớn curcumin giúp loại bỏ các tế bào ung thư.
10. Bông cải xanh
Bông cải xanh chứa nhiều vitamin C, folate, carotenoids và phytochemical chống lại các yếu tố gây hại trong phổi. Loại rau xanh này có một hợp chất hoạt tính được gọi là L-sulforaphane, giúp các tế bào chuyển sang các gen chống viêm để ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp.