Ngày 30-4-1982, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 được thông qua tại New York (Mỹ), mở cho các quốc gia ký tại Montego Bay, Jamaica ngày 10-12-1982 và có hiệu lực vào ngày 16-11-1994, tức cách đây tròn 30 năm. Năm 1994 cũng là năm Việt Nam phê chuẩn công ước quan trọng này.
Dịp này, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp cùng báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam”.
Chương trình hội thảo kỳ vọng sẽ là dịp để các chuyên gia, học giả, nhà khoa học xem xét, đánh giá và khẳng định vai trò của UNCLOS đúng như tên gọi “Hiến pháp về biển và đại dương”, một điều ước quốc tế đồ sộ, tổng quát, toàn diện, thống nhất và chặt chẽ của thế kỷ 20, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thế kỷ 21.
Cụ thể, UNCLOS năm 1982 quy định toàn diện các vấn đề pháp lý quốc tế về biển và đại dương, là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng nhất để các quốc gia xác lập, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; quyền, nghĩa vụ và các tự do khác trong quá trình quản trị, khai thác, sử dụng biển và đại dương vì mục đích hòa bình.
Đồng thời, UNCLOS năm 1982 là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhất để các tổ chức quốc tế liên chính phủ, đặc biệt là Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Tổ chức Nông lương thực Thế giới (FAO) ban hành các văn kiện chính trị, điều ước quốc tế về hàng hải, hàng không, thương mại quốc tế, an ninh biển, quản lý, bảo tồn, khai thác thủy sản và bảo vệ môi trường biển; là cơ sở pháp lý để các quốc gia và vùng lãnh thổ có biển ban hành, hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển.
Vì lẽ đó, UNCLOS năm 1982 được coi là điều ước quốc tế toàn cầu có tầm quan trọng thứ hai sau Hiến chương Liên hợp quốc, là cơ sở pháp lý cho mọi hành động và hợp tác quốc tế ở cấp độ khu vực, liên khu vực, toàn cầu để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến biển và đại dương.
UNCLOS năm 1982 được coi là điều ước quốc tế toàn cầu có tầm quan trọng thứ hai sau Hiến chương Liên hợp quốc, là cơ sở pháp lý cho mọi hành động và hợp tác quốc tế ở cấp độ khu vực, liên khu vực, toàn cầu...
Chương trình hội thảo khoa học quốc gia “30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam” dự kiến thu hút 200 đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín trong lĩnh vực luật quốc tế nói chung và Luật Biển quốc tế nói riêng đến từ các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu của Việt Nam.
Trong đó có những gương mặt rất uy tín với công chúng, như GS-TS Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) thuộc Liên hợp quốc; GS-TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo; PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; cùng nhiều chuyên gia đến từ ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Luật Hà Nội, ĐH Luật TP.HCM; Trường ĐH Luật - ĐH Huế…
Hội thảo sẽ được tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, số 669, Quốc lộ 1, khu phố 6, phường Linh Xuân, TP Thủ Đức, TP.HCM. Chương trình gồm ba phiên: (i) Phiên toàn thể; (ii) UNCLOS năm 1982 - Hiến pháp về biển và đại dương của cộng đồng quốc tế; (iii) 30 năm từ cam kết đến thực thi UNCLOS năm 1982 của Việt Nam.
Sau hội thảo, ban tổ chức sẽ tổng hợp và kiến nghị các giải pháp cho Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan trong việc truyền bá, phổ biến, thực hiện có hiệu quả UNCLOS năm 1982 và pháp luật về biển của Việt Nam.•
Báo chí giải pháp trong truyền thông UNCLOS
Ngoài việc thảo luận về vai trò, tác động của UNCLOS cùng với những cam kết, hành động của Việt Nam trong suốt ba thập niên qua, hội thảo khoa học quốc gia “30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam” còn thu hút một số chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực truyền thông quốc tế tham dự với các nội dung xoay quanh chủ đề “Vai trò của báo chí - truyền thông trong việc lan tỏa các giá trị của UNCLOS”.
Trong đó, báo Pháp Luật TP.HCM sẽ đưa đến hội thảo tham luận “Báo chí giải pháp nhìn từ truyền thông UNCLOS 1982”. Tham luận sẽ làm rõ thực trạng sử dụng truyền thông ở Biển Đông, chỉ ra những hạn chế, thách thức đồng thời gợi ý cách tiếp cận “báo chí giải pháp” nhìn từ việc áp dụng UNCLOS để sản xuất những tuyến bài phân tích, chuyên sâu, toàn diện, có giá trị xây dựng, góp phần kiến tạo hòa bình tại Biển Đông.