Từ chiếc áo ăn cắp

Mỗi lần về Sài Gòn, tôi đều ít nhất một lần đến một trung tâm thương mại quen thuộc vì hàng hóa, giá cả ở đó có thể gọi là tốt. Nhưng cái chính vì sự tiếp đón vui vẻ, chân thành của người bán so với những khu thương mại khác.

Một chuyện mới xảy ra: Khi thấy tôi chạm tay chiếc sơmi nam hiệu lớn giá 120.000 đồng, em bán hàng vốn quen, hỉ hả: “Rẻ vì hàng ăn cắp đó chị!” Tôi nhìn kỹ áo, phát hiện khuy gài ngược sang trái, trong khi áo nam nhất định phải từ trái sang phải. Tôi giải thích, nói em hàng bị trả do lỗi nặng (thường xảy ra nhưng ở ta ít người biết), hỏi em tại sao nói hàng ăn cắp. Em cười: “Nói ăn cắp người mua thích hơn vì cảm giác được mua hàng xịn giá hời”. Khái niệm ăn cắp vốn xấu ở đây trở thành tiêu chuẩn tốt, đẳng cấp đẹp! Câu trả lời hồn nhiên của em trở thành câu hỏi lớn!

Nếu hiểu ăn cắp là lấy những thứ không thuộc về mình thì ai trong chúng ta cũng từng chứng kiến, từng là nạn nhân hoặc thậm chí là thủ phạm. Chen lên trước khi xếp hàng là ăn cắp chỗ đứng của người khác. Xem, nghe phim, đĩa lậu là ăn cắp lao động trí óc. Đến muộn trong cuộc hẹn là ăn cắp thời gian của người khác, khai khống chi phí dự án là ăn cắp tiền thuế của nhân dân… Con người đua nhau ăn cắp, từ những vật phẩm hữu hình cho đến những giá trị vô hình. Và xã hội phản ứng lúng túng, thậm chí lệch hướng, lệch pha: Ăn cắp vài quyển sách bị trói, bị phạt đeo biển; ăn cắp đồ trong siêu thị nước ngoài bị cộng đồng miệt thị; ăn cắp mấy con chó bị đánh đến chết... Những bản án nặng, nhẹ xu thế rốt cuộc chỉ là mấy cú gãi trêu ngươi pháp lý và đạo lý.

Thời gian gần đây, hẳn những ai có tâm hồn lành mạnh đều cảm thấy buồn nhục khi nghe những vụ ăn cắp làm tổn thương danh dự đất nước. Nhưng xét cho cùng, nỗi buồn nhục đó chẳng thấm gì so với đa số vụ ăn cắp tinh quái, vô lương, vô trách nhiệm đang diễn ra hằng ngày bên trong đất nước, trong đó không ít thủ phạm có học, có vị thế. Bạn có ngao ngán khi một trí thức trẻ ngang nhiên đứng tên “dịch” hàng lố công trình bằng cách ăn cắp văn bản của người khác? Bạn có thở dài khi một nhà khoa học tiêu tốn nhiều tỉ đồng cho dự án biến nước lã thành điện và khi bị phản bác thì lặng im biến mất? Bạn có bất mãn khi biết Hồ Khanh - người phát hiện hang động Sơn Đoòng lớn nhất thế giới ở Phong Nha - sau khi được vinh danh trên báo chí và những hứa hẹn khen, thưởng của địa phương, hiện đang sống khốn khó do bị bội ước. Bạc bẽo hơn, mọi báo cáo về việc phát hiện Sơn Đoòng sau đó không hề nhắc đến công lao người thợ rừng đam mê hang động này. Và bạn có phẫn nộ trước vô vàn vụ tham nhũng - bị lộ và chưa bị lộ? Người ta lo âu cho giới trẻ nhưng không thể dạy đứa trẻ lương thiện khi cha mẹ chúng ăn cắp. Không thể bảo đứa trẻ học hành tử tế khi cha mẹ chúng xài bằng giả, ăn cắp kiến thức hay ngụy khoa học. Không thể dạy đứa trẻ trung thực khi cha mẹ ăn cắp lòng tin của tha nhân. Không thể có một xã hội tốt khi kẻ lớn gieo gương xấu, tội lỗi không bị trừng trị.

Hệ lụy ăn cắp tỉ lệ thuận với trình độ và vị trí xã hội nên khi người ăn cắp là trí thức thì hệ lụy càng bi thảm, kéo lùi sự phát triển văn minh của dân tộc.

Trong một bài viết bức xúc về những chuyện đáng buồn trong khoa học Việt Nam, GS Nguyễn Văn Tuấn kể rằng ông được một bác sĩ trẻ gửi tặng luận án như lời cảm ơn vì ông có giúp anh kia chút việc trong khi học. Ông đọc và nhận ra đoạn mô tả khá dài về một hormone có giọng văn rất… quen. Hóa ra anh kia đã sao chép nguyên văn đoạn văn ông viết cho báo Tuổi Trẻ! GS Tuấn viết: “Lúc đó tôi ở vị thế lúng túng, không biết làm gì cho hợp lý. Tôi chỉ viết email cảm ơn anh ấy và có nói nhẹ rằng anh nên cố gắng dùng cách diễn giải của mình và nên viết văn cho khoa học hơn. Nhưng tôi nghĩ anh ấy không hiểu tôi nói gì”. Người viết bài này nghĩ anh bác sĩ kia hiểu rõ nhưng anh giả đò im lặng, ăn cắp lòng tin.

Lạc quan, tôi xin mượn tâm sự của một người cha tiễn con đi du học để kết bài. Người cha đó đã nói với con ở sân bay: “Ba hy vọng con học hành thành tài, có một cuộc sống bình an và quan trọng nhất là hãy nuôi dạy con của con sau này một cách đàng hoàng, không phải bằng những đồng tiền ăn cắp như ba đã làm”. Và hẳn lạc quan khi kể tiếp: “Nó khóc và ôm tôi...”. Nước mắt, vòng ôm của đứa con cho ta niềm tin vào sự thức tỉnh.

VIỆT LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm