Từ chuyện Ngô Hoàng Anh: Thế nào là quấy rối tình dục?

Mới đây, Forbes Việt Namđã công bố danh sách Under 30 năm 2022 với những gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Cộng đồng mạng chưa kịp chúc mừng đã phải xôn xao trước thông tin Ngô Hoàng Anh (22 tuổi), một trong những tên tuổi được vinh danh, bị tố có hành vi quấy rối tình dục với các bạn nữ...

Với những gì đã xảy ra, Ngô Hoàng Anh đã lên tiếng xin lỗi đối với người thân, bạn bè, thầy cô, học sinh Trường Phổ thông năng khiếu (nơi Hoàng Anh từng theo học) và Ban biên tập của Tạp chíForbes Việt Nam do những ảnh hưởng tiêu cực mà vụ việc này đã gây ra.

Tuy nhiên, trong những người được Hoàng Anh xin lỗi lại không bao gồm những bạn nữ đã lên tiếng về vụ việc quấy rối - mà theo Hoàng Anh là “quan hệ có xuất hiện tình cảm từ cả hai bên” và “đang bị đẩy đi quá xa một cách không cần thiết”.

Không có bất kỳ sự thừa nhận hay hối hận nào được Hoàng Anh đưa ra cho hai bạn nữ trong vụ việc nói trên. Đồng thời, Hoàng Anh cũng đã nhờ luật sư đứng ra bảo vệ quyền lợi và đề nghị cơ quan chức năng xem xét các hành vi vi phạm pháp luật về xâm phạm bí mật, an toàn thư tín, loan truyền bí mật đời tư người khác…

Ai đúng, ai sai trong vụ việc này, chúng ta chưa có đầy đủ thông tin, chứng cứ để có thể đưa ra nhận định chính xác. Điều duy nhất chúng ta được biết đó là những tin nhắn nhạy cảm, gợi chuyện hoặc cố ý lái chủ đề sang tình dục được cho là giữa Ngô Hoàng Anh và hai bạn nữ N, S. Vậy những điều đó liệu đã đủ để xác định có hành vi quấy rối tình dục (QRTD) hay chưa?

Rất tiếc, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa đưa ra một khái niệm chung cho hành vi QRTD mà chỉ có định nghĩa về hành vi QRTD trong lĩnh vực lao động.

Theo Điều 84 Nghị định số 145/2020 thì QRTD tại nơi làm việc “có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối”.

Các hành vi được xem là quấy rối bao gồm: (1) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; (2) QRTD bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục; (3) QRTD phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

Bên cạnh các quy định về QRTD tại nơi làm việc, luật quy định xử phạt 5-8 triệu đồng đối với hành vi sàm sỡ, QRTD theo Nghị định số 144/2021. Tuy nhiên, khác với Nghị định 145/2020, Nghị định 144/2021 lại không đưa ra các đặc điểm để nhận diện hành vi sàm sỡ hoặc QRTD.

Chúng ta chỉ có thể đánh giá hành vi (nếu có) của Ngô Hoàng Anh thông qua việc vận dụng các quy định tại Điều 84 của Nghị định 145/2020. Theo đó, những đoạn tin nhắn có nội dung tình dục hoặc ngụ ý tình dục mà Ngô Hoàng Anh và các bạn nữ trao đổi với nhau (nếu có) sẽ bị xem là hành vi QRTD bằng lời nói.

Tuy nhiên, như đã nói, quy định về hành vi quấy rối tại Nghị định 145/2020 chỉ giới hạn tại nơi làm việc và trong lĩnh vực lao động. Đối với lĩnh vực xã hội, Nghị định 144/2021 lại chưa đưa ra các định nghĩa cụ thể về hành vi này.

Đồng thời, việc xử lý vi phạm hành chính cũng đòi hỏi phải tuân thủ quy định về thời hạn và thời hiệu xử phạt. Nói cách khác, tại thời điểm hiện nay, việc có xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi (nếu có) của Ngô Hoàng Anh hay không cần phải có sự đánh giá toàn diện của các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Mặt khác, với những nạn nhân của nạn QRTD, ngoài việc nhờ pháp luật bảo vệ, họ còn có thể tìm kiếm sự đồng cảm và hỗ trợ từ cộng đồng. Đâu đó vẫn còn những trường hợp cá biệt xem nạn nhân của nạn QRTD là những người phải chịu trách nhiệm khi hành vi xảy ra.

Tuy nhiên, cùng với “phong trào Me too”, cần xác định những người bị QRTD chính là bên yếu thế, cần phải lên tiếng để ngăn chặn việc quấy rối tiếp tục diễn ra với những nạn nhân tiếp theo.

Riêng với Ngô Hoàng Anh, dù sự việc chưa đi đến kết luận cuối cùng nhưng bạn trẻ này cũng đã nhận hậu quả khi không còn trong danh sách Under 30 của Forbes Việt Nam.

Cuộc chiến đạo đức và pháp lý giữa các bên vẫn đang tiếp tục và kết quả của cuộc chiến này có thể là một bài học quý giá cho các bạn trẻ trong cách ứng xử hằng ngày, đồng thời thúc đẩy các cơ quan liên quan tiếp tục cân nhắc về kiến nghị hình sự hóa việc xử lý hành vi QRTD, nhất là trước thực trạng nạn nhân của hành vi này đang ngày một trẻ hóa.

 

Ngày 15-2, tạp chí Forbes Việt Nam công bố danh sách các gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất của Việt Nam năm 2022, trong đó có Ngô Hoàng Anh.

Ngô Hoàng Anh được vinh danh ở hạng mục khoa học - giáo dục, được giới thiệu là trưởng đơn vị nhóm chuyên gia công nghệ thông tin dự báo Phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ngay sau khi danh sách được công bố, Ngô Hoàng Anh – cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) bị nhiều bạn nữ mà đa phần là các cựu nữ sinh của Trường này tố cáo Hoàng Anh quấy rối tình dục trong quá khứ (2018-2020).

Ngày 19-2, Trường Phổ thông Năng khiếu lên tiếng xin lỗi liên quan vụ Ngô Hoàng Anh với lí do: “Nhà trường đã thiếu cẩn trọng khi đưa thông tin về cựu học sinh Ngô Hoàng Anh được xếp hạng trong Forbes Under 30 năm 2022, khi điều này đã vô tình khơi dậy nỗi đau chưa được giải quyết thấu đáo của các học sinh và cựu học sinh từng lên tiếng tìm sự giúp đỡ trong năm 2020 về hành vi có dấu hiệu quấy rối tình dục của Ngô Hoàng Anh”…

Ngày 24-2, Forbes Việt Nam quyết định rút Ngô Hoàng Anh ra khỏi danh sách Under 30 năm 2022.

Theo Forbes Việt Nam, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng mọi khía cạnh của vấn đề, bao gồm tinh thần truyền cảm hứng của danh sách, nguyện vọng qua email của Ngô Hoàng Anh gửi đến tòa soạn, Forbes Việt Nam quyết định rút Ngô Hoàng Anh ra khỏi danh sách Under 30 năm 2022.

Như vậy, danh sách Under 30 năm 2022 còn 25 thành viên, thay vì 26 thành viên như Forbes Việt Nam đã công bố trước đó.

Sau vụ “lùm xùm” của Ngô Hoàng Anh, đã có thêm 3 thành viên khác xin rút khỏi danh sách Under 30 năm 2022 của Forbes Việt Nam.

Được biết, Ngô Hoàng Anh hiện đang học thạc sĩ tại Đại học Edinburgh (Anh), trước đó đã từng học tại Đại học École Polytechnique (Pháp).

MINH CHUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới