Hai vụ việc làm xúc động dư luận nói trên nếu xảy ra ở nước ngoài thì có thể được coi là hi hữu chứ ở xứ ta thì khác. Vì đó chỉ là hai đỉnh cao của lối hành xử coi thường cộng đồng, bất chấp pháp luật xảy ra ở Việt Nam trong nhiều năm qua.
Từ góc độ pháp lý mà nhìn, vụ cướp bia ở Đồng Nai mang đủ các dấu hiệu của một vụ cướp bóc chứ không phải hôi của, còn từ góc độ tâm lý, đó là một sự manh động lây lan khiến nhiều người nhất thời quên mất nhân phẩm và lương tâm mà hành xử một cách bất nhân và vô sỉ. Hình ảnh trong các đoạn clip quay được cho phép ta nghĩ rằng phần đông những người tham gia vụ việc đáng xấu hổ ấy vốn không có ý đồ cướp bóc và nhất là không thiếu đói tới mức phải bất chấp đạo lý cứu kẻ nạn, giúp người nguy để xông vào bưng bê mang xách với dáng vẻ hân hoan thường thấy nơi những vụ cướp bóc bầy đàn.
Trong vụ vỡ đê bao vì triều cường ở Thủ Đức mới đây, có hộ gia đình chăn nuôi bị mất trắng cả ao cá tai tượng, nhiều người sống xung quanh cũng đổ ra bắt cá. Có điều, trong hoàn cảnh chim trời cá nước ấy họ không bắt thì khổ chủ cũng phải chịu mất. Còn vụ cướp bia thì khác hẳn.
Mẹ của bị cáo Hồ Duy Trúc, kẻ chặt đứt lìa bàn tay của nạn nhân để cướp xe SH, quậy tưng chốn pháp đình sau khi con bà bị TAND TP.HCM tuyên án tử hình. Ảnh: HY
Song ngược lại, nếu có được năm, bảy người hăng hái bước ra giúp đỡ ngay từ đầu thì rất có thể nhiều trong những người cướp bia kia sẽ nhiệt tình giúp đỡ người lái xe rủi ro thu hồi số bia bị rơi xuống đường, thực hiện một nghĩa cử để sau đó thấy trong lòng thanh thản.
Đường ranh giữa cái xấu và điều tốt, giữa thói vị kỷ và lòng vị tha quả đã rất mong manh…
Tương tự, nhìn từ góc độ pháp lý, vụ ném đá ở tòa mới đây lại cho thấy một khía cạnh khác của sự manh động trong sinh hoạt xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Đọc bài “Cảnh sát tư pháp quá “hiền”” của tác giả Trần Duy Anh, người ta phải thẫn thờ về hành động công nhiên coi thường pháp luật của thân nhân bị cáo sau khi tòa tuyên án. Nhiều thân nhân của kẻ chặt tay cướp xe đã chửi tòa án, rượt luật sư, dọa nạn nhân, ném đá vào các phòng xử án, thậm chí mẹ của Trúc đã cởi quần ra trước sân tòa để miệt thị những người xử án với một cung cách vừa hung hãn kiểu côn đồ, vừa bỉ ổi kiểu vô lại.
Cho nên cần nói thêm là rất có thể tội ác của kẻ chặt tay cướp xe kia đã được ươm mầm và dung dưỡng ngay trong gia đình y, với tấm gương đen là những thân nhân không những không xấu hổ về hành vi vô nhân tính của y mà còn có cách xử sự ít thiện lương sau khi tòa tuyên án. Bản án dành cho y rõ ràng vẫn chưa đủ để răn đe hay giáo dục cả họ, những người đã góp phần đưa tới cho xã hội một kẻ tội phạm máu lạnh. Đáng lưu ý là một trong những người này còn có một phát ngôn vô lương nhân danh đạo nghĩa “Một lũ nhà giàu hùa nhau đẩy thằng Trúc bị tử hình”, hay một người đến dự tòa đã nói: “Ai kêu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém”.
Với quan niệm cố tình thô thiển nên sặc mùi ngụy lý như thế về cấu trúc và quan hệ xã hội, họ chỉ có thể là những tội phạm tiềm năng đe dọa trật tự xã hội và đời sống cộng đồng. Nói thêm là việc sử dụng cái nghèo như một lợi khí để thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của mình theo những cung cách coi thường cộng đồng, bất chấp pháp luật cũng là bản lĩnh cầm tay của một bộ phận dân nghèo bị lưu manh hóa, thực tế này rất đáng được những người soạn thảo chính sách xã hội quan tâm.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là sau phiên tòa nói trên, người ta còn phải ngao ngán về thái độ ít tích cực và ít chuyên nghiệp của một số cảnh sát tư pháp. Họ không ý thức đầy đủ chức trách và quyền lực của mình.
Tòa án không chỉ là nơi thực thi pháp luật một cách nghiêm minh mà còn phải là nơi bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật một cách tích cực.
Cách đây không lâu, nhiều người đã nói tới chuyện chuẩn hóa trang phục của luật sư khi tham gia tố tụng tại tòa án và ai cũng hiểu đó không phải vì các luật sư có nhu cầu mặc sang, mặc đẹp mà để phục vụ cho hình ảnh tôn nghiêm của tòa án nói riêng và pháp luật nói chung.
Thế nhưng khi thân nhân của kẻ chặt tay cướp xe hung hãn gây náo loạn, những cảnh sát tư pháp có mặt chỉ hành xử một cách thụ động, “đóng cửa các phòng của thư ký và phòng của lãnh đạo tòa”. Không ai mong muốn họ dùng tới sức mạnh nhưng chức trách của họ ở chỗ ấy, lúc ấy là phải sẵn sàng dùng sức mạnh khi cần thiết. Cho nên bản án tòa đã tuyên rất công bằng và hợp lòng người nhưng đáng tiếc là ở đây chất lượng xét xử cao vẫn chưa tạo ra được hiệu quả xã hội tương ứng về mặt pháp lý.
* * *
Phản ứng tích cực của dư luận cả nước và hành động đúng đắn của chính quyền sở tại về vụ hàng trăm người cướp bia ở Đồng Nai mới rồi đã bước đầu có hiệu quả tốt với việc hàng trăm người cứu giúp xe bia gặp nạn ở Nghệ An. Hy vọng vụ ném đá ở tòa mới đây sẽ được các cơ quan có thẩm quyền suy ngẫm. Bởi vì ở mọi nơi, mọi lúc đời sống xã hội đều có tính liên thông rất lớn mà việc thưởng, phạt của chính quyền thế nào thì nhân tâm thế ấy, phải thưởng, phạt thế nào để những người lương thiện tâm phục khẩu phục, còn những người vô đạo đức cũng phải biết sợ mà tuân thủ pháp luật.
CAO TỰ THANH
Tháng 12-2013