Đó là thực trạng đáng buồn của ngành điều hiện nay được ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết tại buổi họp báo mới đây ở TP.HCM.
Một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hạt điều Việt Nam cho rằng DN Việt thất bại ngay trên sân nhà vì các ông lớn “cá mập” nước ngoài đang thao túng thị trường bằng cách bán phá giá và hưởng lợi. Tuy nhiên, nhiều DN Việt Nam cũng thừa nhận một căn bệnh kinh niên của ngành điều nói riêng và nông sản xuất khẩu nước ta nói chung là tranh mua, tranh bán kiểu “tự hại nhau, quân ta tự đánh quân mình”.
Rõ nhất là khi thấy thị trường xuất khẩu điều nhân khởi sắc, các nhà máy đua nhau tăng công suất, tranh mua để có nguyên liệu cả nhập khẩu lẫn thu mua trong nước.
Bằng chứng là cách nay không lâu, giá điều thô nhập từ châu Phi chỉ ở mức 400-500 USD/tấn. Đến khi nhiều DN Việt tham gia, tranh mua đã đẩy lên mức 1.000 USD/tấn. Hậu quả là DN Việt bị các nhà cung cấp điều thô châu Phi tạo sức ép, tăng giá bán, đặt cọc, đến khi nhận hàng phải trả thêm tiền hoặc chất lượng không như cam kết nhưng không được bồi thường.
Tranh mua xong, các DN Việt lại lao vào tranh bán bằng cách đua nhau hạ giá để giành khách hàng. Hệ quả là số lượng lớn điều xuất khẩu vào cùng một thời điểm nhưng giá lại rẻ, lợi nhuận không nhiều. Thế nên hiện nay, dù đơn hợp đồng đặt mua của các thị trường lớn, giá cao nhưng hầu hết DN Việt chỉ biết… ngồi nhìn.
Đã từng có nhiều đề xuất, giải pháp như cần có quy định về giá sàn xuất khẩu để “trị” việc tranh bán, đua nhau hạ giá để giành giật khách hàng. Đáng tiếc là thất bại vì các DN Việt chỉ thống nhất bằng miệng trong hội nghị, còn khi triển khai trên thực tế thì mỗi anh làm một nẻo, mạnh ai nấy làm.
Như vậy, giải pháp căn cơ để không rơi vào tình cảnh như hiện nay trước hết là cần sự đoàn kết của nhiều DN trong nước; làm ăn bài bản, có liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao... Có như vậy mới có thể cùng tồn tại, tăng sức cạnh tranh và giữ vững vị thế xuất khẩu trên thị trường thế giới.