Mới đây, ngày 30-7, TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên bị cáo Tô Phương Trọng không phạm tội hiếp dâm trẻ em. Trước đó, cũng chính tòa này đã tuyên bị cáo Trọng có tội và xử phạt sáu năm tù. Bản án này sau đó bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên hủy và yêu cầu điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.
Bị cáo Trọng bị bắt tạm giam từ ngày 10-11-2008 khi đang là học sinh lớp 7 và được cho tại ngoại ngày 11-6-2012, tức bị giam hơn ba năm bảy tháng.
“Khai theo hướng dẫn của cán bộ điều tra”
Theo cáo trạng, khoảng 18 giờ ngày 5-11-2008, Trọng đến trước nhà ông Năm Hội ở cùng ấp Thuận Hòa, xã Tân Đức (Đầm Dơi, Cà Mau) thì gặp bé gái Nguyễn Ngọc H. (sáu tuổi). Trọng rủ H. đi vào khu bưu điện cũ bỏ trống của xã ở gần đó để làm chuyện đồi bại. Do bộ phận sinh dục của H. còn nhỏ nên Trọng chỉ “làm qua quýt” ở bên ngoài cho đến khi thỏa mãn. Lúc này có tiếng kêu của mẹ H. nên Trọng bảo H. mặc quần vào về trước còn mình thì nán lại về sau. Khi H. ra trước bưu điện thì gặp chị Hằng và được chị này dẫn về. Khi bị người lớn tra hỏi, cháu H. kể lại toàn bộ sự việc. Ngay sau đó, mẹ cháu H. trình báo với chính quyền địa phương. Năm ngày sau, Tô Phương Trọng bị bắt tạm giam về tội hiếp dâm trẻ em.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai ngày 30-7, bị cáo Trọng cho rằng trước đây mình bị dụ cung. Theo Trọng, hai bản khai nhận tội và lời khai có hiếp dâm bé H. trước đây do cán bộ điều tra hướng dẫn khai và hứa nếu chịu nghe theo thì được cho về nhà. Trước sau Trọng vẫn khẳng định mình chỉ rủ cháu H. đi ra sau bưu điện để bẻ trái cau cho H. chơi.
Chứng cứ buộc tội không có tính pháp lý
Việc phủ nhận tội của Trọng được HĐXX đặc biệt quan tâm. Bởi hồ sơ vụ án thể hiện khi không có đại diện gia đình hoặc không có luật sư chứng kiến, Trọng khai đã dụ bé H. vào bưu điện để cướp đôi bông tai bằng vàng, khi lại khai để hiếp dâm. Nhưng khi có mẹ ruột và luật sư bên cạnh (và tại tòa), Trọng lại khai chỉ rủ cháu H. đi hái cau.
Sau khi nghị án, HĐXX TAND tỉnh Cà Mau kết luận các chứng cứ buộc tội quan trọng không có tính pháp lý nên tuyên Trọng vô tội.
Cụ thể, tại thời điểm bị quy kết thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo chưa đủ 16 tuổi (chỉ mới hơn 14 tuổi) nên theo BLTTHS, khi lấy lời khai và hỏi cung phải có đại diện gia đình bị can. Thế nhưng hai bản nhận tội do bị cáo viết và ký tên không có người đại diện gia đình bị cáo chứng kiến. Tại tòa, bị cáo phủ nhận hai tờ nhận tội này và cho rằng do cán bộ điều tra hướng dẫn. Bảy bút lục khác thể hiện khi lấy lời khai bị can không có đại diện gia đình Trọng chứng kiến hoặc sai về thủ tục hỏi cung khác.
Ngoài ra, tòa cho rằng kết quả giám định không đảm bảo tính khách quan và cũng không đủ căn cứ để chứng minh việc cháu H. bị hiếp dâm.
“Đủ cơ sở để chứng minh bị cáo không phạm tội”
Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM ngày 7-8, thẩm phán Nguyễn Chí Văn, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm nói trên, cho biết thêm: “Đồ vật, văn bản, chứng từ, hồ sơ được xem là chứng cứ hợp pháp, có tính pháp lý khi nó được thu thập đúng trình tự quy định của pháp luật.
Ở vụ án này, như chúng tôi đã nêu trong bản án, gần như toàn bộ các bút lục mà VKS dùng làm cơ sở buộc tội bị cáo được thu thập chưa đúng theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo quy định, việc lấy lời khai của người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng phải có sự chứng kiến của luật sư. Trường hợp người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi còn buộc phải có thêm sự chứng kiến của đại diện gia đình bị can, tức cha, mẹ hay người đại diện hợp pháp khác.
Trong các bút lục nói trên thể hiện việc lấy lời khai bị cáo Trọng thiếu đại diện gia đình hoặc luật sư, có những bút lục thiếu cả hai. Từ đó, HĐXX quyết định bác toàn bộ những bút lục thu thập sai quy trình đó”.
“Nhưng điều này không đồng nghĩa với bị cáo vô tội?” - chúng tôi hỏi. Ông Văn trả lời: “Vụ án này đã được trả hồ sơ để điều tra lại. Cơ quan điều tra và VKS sau khi điều tra lại vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Trọng.
Hồ sơ vụ án thể hiện không còn tình tiết nào của vụ án bị cơ quan điều tra bỏ sót, chưa điều tra. Tức đủ cơ sở để chứng minh bị cáo không có hành vi hiếp dâm cháu H”.
Ngày 6-8, trao đổi qua điện thoại, ông Đàm Hoàng Vũ, Viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau, cho biết ông chưa nhận được bản án sơ thẩm (tuyên bị cáo Tô Phương Trọng không phạm tội) nên chưa có quyết định kháng nghị hay không. Cạnh đó, phía gia đình Tô Phương Trọng cho biết sẽ đề nghị bồi thường oan khi án có hiệu lực pháp luật. |
TRẦN VŨ