Từ ngày 5-8, tuần tra kiểm soát của CSGT có 8 điểm mới

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 65 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức nội dung và quy trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5-8, thay thế cho Thông tư 01/2016.
Theo Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM), có tám nội dung liên quan đến công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT được quy định mới trong Thông tư 65 như sau:
3 hình thức tuần tra kiểm soát
- Tuần tra, kiểm soát cơ động.
- Kiểm soát tại Trạm CSGT hoặc tại một điểm trên đường giao thông.
- Tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp với kiểm soát tại một điểm hoặc tại Trạm CSGT.

CSGT được tuần tra cơ động. Ảnh: L.THOA

Bốn nội dung tuần tra của CSGT
- Giám sát, nắm tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ, việc chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ và các quy định khác của pháp luật có liên quan của người và phương tiện tham gia giao thông. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm giao thông và hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
- Hướng dẫn, điều khiển, giải quyết ùn tắc giao thông hoặc phối hợp giải quyết ùn tắc, sự cố giao thông trên tuyến giao thông đường bộ khi tuần tra, kiểm soát.
- Thực hiện các nội dung công tác khác được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.
- Nội dung tuần tra phải thể hiện trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ba nội dung kiểm soát của CSGT
- Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm: Giấy phép lái xe, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng hoặc Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng, Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (đối với loại xe có quy định phải kiểm định), Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
- Khi kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông, CSGT phải thực hiện kiểm soát theo trình tự từ trước ra sau, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới. CSGT kiểm soát hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số phía trước, phía sau và hai bên thành phương tiện giao thông theo quy định. Đồng thời, kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng.
- Kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải đường bộ.
Trang phục CSGT khi tuần tra, kiểm soát
- CSGT khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm phải sử dụng trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân theo quy định của Bộ Công an. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang.
- Trường hợp kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, được bố trí một bộ phận CSGT mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác.
Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định.
CSGT được sử dụng cả xe đạp để tuần tra
Thông tư 65 bổ sung thêm loại phương tiện xe đạp để phù hợp cho CSGT khi tuần tra, kiểm soát trong các tuyến phố, tuyến đường đi bộ thuộc các đô thị.

CSGT phải công khai kế hoạch tuần tra kiểm soát. Ảnh: L.THOA

CSGT công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát
Thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, lực lượng CSGT phải công khai các kế hoạch sau: kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên trên tuyến, địa bàn được phân công phụ trách.
Theo đó, có bốn hình thức thông báo công khai của CSGT gồm: niêm yết tại trụ sở tiếp công dân của đơn vị; đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT hoặc Cổng thông tin điện tử của công an cấp tỉnh, Phòng CSGT; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc sử dụng các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, có bốn nội dung mà lực lượng CSGT phải thông báo công khai theo quy định tại thông tư này là: đơn vị; tuyến đường làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; loại phương tiện, hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện kế hoạch.
Bốn trường hợp CSGT được dừng xe để kiểm soát
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm giao thông và các hành vi vi phạm khác.
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Chào hỏi người dân khi kiểm soát
Theo thông tư 65, trước khi kiểm soát, CSGT phải thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân hoặc chào bằng lời nói: “Chào ông, bà, anh, chị…” (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã).
Sau đó, CSGT sẽ nói: “Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông”.
Khi tiếp nhận được các giấy tờ (nếu có), thông báo cho người điều khiển xe và những người trên xe biết lý do kiểm soát, sau đó thực hiện kiểm soát những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới