Từ phản ánh của Pháp Luật TP.HCM: Một công dân đã được minh oan

Ngày 18-2 vừa qua, Pháp Luật TP.HCM đã đăng bài “Trộm cắp không còn nguy hiểm (!?)”, phản ánh trường hợp anh Nguyễn Minh Sang khiếu nại yêu cầu các cơ quan tố tụng huyện Châu Thành (Tiền Giang) phải minh oan cho anh.

Bị tạm giam, kết án tù

Trước đây, tháng 8-2011, anh Sang đến nhà ông nội hái dừa uống nước. Theo hồ sơ buộc tội của công an và VKS, thấy ông chở chú ruột ra khỏi nhà, anh Sang bước vào thì thấy trên bàn có điện thoại di động và một nhẫn vàng (tổng giá trị 2,3 triệu đồng) bèn lấy trộm. Trở về, người chú nghe có người kể là anh Sang vào nhà nên đã đến chỗ ở của anh, tìm thấy nhẫn vàng và bắt anh chở đến công an xã giao nộp.

Anh Sang cho biết ban đầu anh nhận tội vì người chú ra điều kiện sẽ trả nợ giúp gia đình anh hai cây vàng. Tại công an xã, sau khi anh nhận tội, người chú còn rút 1 triệu đồng đưa cho anh, hứa sẽ bảo lãnh cho về sớm. Sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam, anh biết mình bị chú lừa nên phản cung kêu oan. Anh lập luận rằng vàng và đồng hồ là tài sản quý, không ai để trên bàn uống nước. Việc người chú tự tìm thấy nhẫn vàng trong nhà anh cũng là điều khó tin.

Lời kêu oan này của anh Sang không được chấp nhận. Tháng 11-2011, TAND huyện Châu Thành xử sơ thẩm đã kết luận anh phạm tội và phạt chín tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Anh Sang kháng cáo kêu oan. Tháng 5-2012, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang đã hủy bản án trên để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Sau bảy tháng điều tra lại không có kết quả, ngày 14-11-2012, phó thủ trưởng cơ quan điều tra Công an huyện Châu Thành đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can với lý do hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội theo khoản 1 Điều 25 BLHS sau.

Anh Nguyễn Minh Sang, người từng bị tạm giam oan chín tháng và bị kết án về tội trộm cắp tài sản. Ảnh: T.TÙNG

Hơn hai tháng sau, quyết định này mới được gửi cho anh Sang. Anh Sang bức xúc cho rằng khi điều tra lại không có kết quả thì công an huyện phải thừa nhận việc khởi tố, bắt tạm giam anh chín tháng là oan chứ không thể lấy lý do trên để thoái thác trách nhiệm.

VKSND tối cao chỉ đạo sửa sai

Ba ngày sau khi báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh trường hợp của anh Sang, trang thông tin điện tử của VKSND Tối cao đã đăng thông tin truyền đạt ý kiến của VKSND Tối cao chỉ đạo xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành.

Cụ thể, VKSND Tối cao cho rằng căn cứ vào thông tin màPháp Luật TP.HCM đăng tải thì việc đình chỉ điều tra bị can với anh Sang là không đúng. Bởi lẽ khi không chứng minh được anh có hành vi phạm tội thì phải đình chỉ điều tra theo điểm b khoản 2 Điều 164 BLTTHS (đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm). Từ đó, VKSND Tối cao yêu cầu VKSND tỉnh Tiền Giang kiểm tra vụ việc, báo cáo lãnh đạo VKSND Tối cao, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND Tối cao.

Ngày 14-3 vừa qua, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Thành - Thượng tá Trần Hữu Phong đã ra quyết định “đính chính” lý do đình chỉ điều tra bị can với anh Sang. Theo văn bản này, căn cứ vào kết quả xác minh xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án thì việc viện dẫn khoản 1 Điều 25 BLHS để làm cơ sở đình chỉ điều tra với anh Sang là sai. Do đó, công an huyện đã ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra bị can ngày 14-11-2012 nêu trên, đồng thời ban hành quyết định đình chỉ khác theo điểm b khoản 2 Điều 164 BLTTHS.

Hiện anh Sang đang làm các thủ tục để yêu cầu các cơ quan tố tụng huyện Châu Thành bồi thường oan cho mình theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi vụ việc có diễn tiến mới.

Người chủ trại gà tốt bụng

“Hai ngày liền tui không thấy nó sang trại làm, rồi choáng váng khi nghe tin nó bị bắt. Xưa nay thằng nhỏ hiền lành, tốt bụng, không biết gian trá của người khác một đồng, một cắc” - ông Lê Văn Niên, chủ trại gà giống nơi anh Sang đang làm mướn, kể.

Đang học lớp 10, Sang phải nghỉ học giữa chừng đi làm mướn vì cha mẹ bỏ nhau. Sang ở với cha, thời gian sau người cha bị tai nạn giao thông, không còn khả năng lao động, Sang phải từ huyện Châu Thành tìm đến trại gà của ông Niên làm công. Sang làm việc quần quật suốt ngày nhưng không dám tiêu xài cho bản thân vì phải trích số tiền công ít ỏi 150.000 đồng/ngày gửi về quê nuôi cha. Mấy năm sau, Sang bị vướng vào vòng lao lý.

Gần chín tháng bị tạm giam, người thân không có, mọi sự quan tâm, động viên với Sang đều đến từ người chủ trại gà. Ông Niên bảo xuất phát từ linh cảm Sang bị oan nên ông chạy tới lui hỏi han tình hình rồi mày mò hỏi thuê luật sư để bào chữa cho Sang. Mỗi lần Sang ra tòa ông đều có mặt, tiền thuê luật sư đến giờ này ông cũng tự bỏ ra coi như là tạm ứng trước.

Từ ngày Sang được tại ngoại, ông Niên lại nhận Sang về trại, lo lắng cho Sang như con ruột mình. Trại gà nhỏ nên thời gian Sang bị bắt, ông không mướn ai thay thế mà vẫn gắng sức làm để chờ ngày Sang được minh oan trở về.

Hướng mắt về phía Sang, giọng ông rưng rưng, đau đáu: “Nó được giải oan, tui mừng lắm, không thì thiệt khổ cho thằng nhỏ quá…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới