Báo Pháp Luật TP.HCM minh oan cho người thanh niên trẻ

Tại tòa hai bên đã tổ chức thương lượng và ra quyết định hòa giải thành mà không cần xét xử. Theo đó TAND huyện Châu Thành chấp nhận bồi thường oan cho anh Sang hơn 95 triệu đồng gồm thiệt hại về vật chất và tinh thần trong gần hai năm bị truy tố xét xử oan (anh Sang bị tạm giữ, tạm giam 255 ngày, bị tòa huyện xử phạt chín tháng tù giam. 

Như vậy sau gần bốn năm vướng vào vòng tố tụng, cùng với sự giúp sức của Báo Pháp Luật TP.HCM anh Sang đã chính thức được cơ quan tố tụng huyện Châu Thành đến bù những tổn thất của sự oan khuất.

Người thanh niên trẻ, hiền lành, chân chất, Nguyễn Minh Sang với niềm vui được minh oan- Ảnh: THANH TÙNG

Không thừa nhận việc làm oan

Theo hồ sơ buộc tội thể hiện, tháng 8-2011, anh Sang đến nhà ông nội ở huyện Châu Thành chơi và hái dừa uống. Khi thấy ông nội chở chú ra khỏi nhà, anh Sang bước vào thì thấy trên bàn có điện thoại di động và một nhẫn vàng (tổng giá trị 2,3 triệu đồng), bèn lấy trộm. Trở về, nghe hàng xóm kể có anh Sang tới nhà, người chú đã tự bắt anh Sang chở đến công an xã giao nộp. Sau đó anh Sang bị khởi tố, bắt tạm giam về tội trộm cắp tài sản. Cũng từ đó người thanh niên trẻ ngoài 20 tuổi bắt đầu vướng vào vòng tố tụng đầy oan khuất.

Anh Sang kể: “Lúc ở công an xã người chú nói với tôi rằng, cứ ký vào lời nhận tội thì ổng sẽ trừ cho gia đình tui khoản nợ hai cây vàng. Ổng còn rút từ túi ra một triệu đồng đưa cho tui trước mặt công an viên và hứa sẽ bảo lãnh cho về sớm. Không ngờ đó là cái bẫy mà đến tận bây giờ tui không không lý giải được vì sao ổng lại làm thế…”.

Linh cảm việc chẳng lành đã tới khi anh Sang được công an xã bàn giao cho công an huyện để phục vụ công tác điều tra. Lúc này Sang mới biết mình đã bị rơi vào tình thế ngặt nghèo, nên từ đó anh đã phản cung không thừa nhận việc phạm tội như hồ sơ ban đầu. Bản thân rời gia đình từ sớm, phải bươn chải làm thuê làm mướn sống qua ngày, học ít, trình độ nhận thức hạn chế nên Sang chẳng biết xoay sở ra sao khi đối diện với cơ quan điều tra.

Gia đình anh nghèo khó, biết chuyện nhưng không có tiền thuê luật sư vì quá khó khăn. Đang học lớp 10 thì Sang phải nghỉ học giữa chừng đi làm mướn vì cha mẹ bỏ nhau. Sang ở với cha, thời gian sau người cha bị tai nạn giao thông không còn khả năng lao động nên em phải từ huyện Châu Thành tìm đến trại gà của ông Niên làm công. Sang làm việc quần quật suốt ngày nhưng không dám tiêu xài cho bản thân vì phải trích số tiền công ít ỏi 150.000/ngày gửi về quê nuôi cha.

Mọi chuyện sau khi Sang bị bắt đều phụ thuộc vào ông Lê Văn Niên - chủ một trại nuôi gà giống nơi Sang đang làm thuê. “Hai ngày liền tui không thấy nó sang trại làm, rồi choáng váng khi nghe tin nó trộm cắp bị bắt. Xưa nay thằng nhỏ hiền lành tốt bụng, không biết gian trá của người khác một đồng một cắc…”, ông Niên nhớ lại. 

Gần chín tháng bị tạm giam sau đó, ông Niên cũng là người chạy đi chạy lại gửi đồ thăm nuôi, động viên Sang. Ông bảo: “Tui biết nó bị oan nên tui quyết bảo vệ đến cùng”. Ông chạy tới lui hỏi han tình hình rồi tự bỏ tiền thuê luật sư để bào chữa cho Sang. Mỗi lần Sang ra tòa ông Niên đều có mặt, tiền thuê luật sư đến giờ này ông cũng tự bỏ ra coi như làm tạm ứng trước. Từ ngày được tại ngoại ông Niên lại nhận Sang về trại để tiếp tục công việc ngày trước và lo lắng cho Sang như con ruột mình. Trại gà nhỏ nên khi Sang bị bắt ông Niên không mướn ai thay thế mà vẫn gắng sức làm để nuôi hi vọng ngày Sang được minh oan trở về.

Hành trình vất vả

Tháng 11-2011, TAND huyện Châu Thành xử sơ thẩm đã phạt anh Sang chín tháng tù. Anh Sang kháng cáo kêu oan.

Tháng 5-2012, TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Theo tòa phúc thẩm, việc truy tìm thu giữ vật chứng trong vụ án không phải do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện mà người bị hại tự qua nhà bị cáo lục xét mang đi giao nộp cho công an. Điều này là không khách quan, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và không thể sử dụng vật chứng đó làm chứng cứ buộc tội bị cáo.

Thứ hai, vụ án khá phức tạp về việc thu thập chứng cứ và chứng minh tội phạm, nhưng hồ sơ vụ án cơ quan điều tra chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để chứng minh bị cáo có tội. Chẳng hạn, hiện trường nơi được cho là bị cáo cất giấu tài sản ở đâu không rõ, việc bị hại để chiếc nhẫn và điện thoại trên bàn không ai làm chứng, người làm chứng có mặt ở hiện trường hay không cũng chưa rõ…

Thứ ba, lời khai của bị cáo có mâu thuẫn, đáng lẽ khi xử sơ thẩm phải có mặt bị hại để đối chất xem bị cáo có tội hay không, nhưng tòa huyện lại “quên” tống đạt giấy mời để triệu tập người bị hại mà đã vội vàng đưa vụ án ra xét xử là vi phạm nghiêm trọng. Cạnh đó khi xử xong, cấp sơ thẩm lại không gửi bản án cho người bị hại theo đúng quy định của pháp luật, dẫn đến hậu quả pháp lý là làm ảnh hưởng đến quyền kháng cáo của đương sự. Sau khi phân tích, tòa phúc thẩm cho rằng những sai sót trên là rất lớn nên phải hủy án điều tra lại từ đầu. Trước khi đưa vụ án ra xét xử tòa phúc thẩm cũng đã cho Sang tại ngoại.

Sau bảy tháng điều tra lại không kết quả, ngày 14-11-2012 công an huyện Châu Thành đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với anh Sang. Tuy nhiên quyết định đình chỉ lại căn cứ vào Khoản 1, Điều 25, BLHS vì xét thấy hành vi phạm tội của Sang không còn nguy hiểm cho xã hội, chứ không phải đình chỉ do không chứng minh được tội phạm. Điều đáng nói là hơn hai tháng sau quyết định này mới được gửi cho bị can. Tính tổng cộng hai đợt thì Sang đã bị tạm giam chín tháng (bằng mức án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt). Với lý do này thì cơ quan điều tra đã cố tình không thừa nhận việc khởi tố xét xử oan đối với Sang.

Nhận thấy lý do đình chỉ trên là không đúng, ngày 18-2-2013 Pháp Luật TP.HCM đã có bài phân tích pháp lý nêu rõ, nếu xác định hành vi của Sang ít nguy hiểm cho xã hội, không đáng để xử lý hình sự thì ngay ở lần điều tra đầu tiên công an đã đình chỉ điều tra (thực tế theo hồ sơ giá trị trộm cắp chỉ là 2,3 triệu đồng). Đằng này anh Sang bị tạm giam suốt thời gian điều tra như một hành vi cực kỳ nguy hiểm và chỉ được tại ngoại khi TAND tỉnh đồng ý và tuyên hủy án vì chưa đủ chứng cứ chứng minh anh có tội. Khi điều tra lại và không thể củng cố chứng minh được anh Sang phạm tội thì công an huyện mới chịu đình chỉ bị can. Như vậy, theo nguyên tắc hình sự đúng đắn thì không chứng minh được tội phạm thì cơ quan điều tra phải tuyên bố đã bắt tạm giam và truy tố oan người vô tội. Không thể căn cứ vào lý do chuyển hóa tội phạm để đình chỉ trong khi anh Sang đã từng bị coi là tội phạm nguy hiểm, từng bị bị tòa sơ thẩm kết án và từng bị tạm giam chín tháng.

Và niềm vui được khôi phục danh dự

Ba ngày sau khi Báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài viết, trang thông tin điện tử của VKSND tối cao đã đăng thông tin truyền đạt ý kiến của VKSND tối cao chỉ đạo xử lý thông tin báo đăng. Cụ thể, VKSND tối cao cho rằng căn cứ vào thông tin Báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải thì việc đình chỉ bị can với anh Sang là không đúng. Bởi khi không chứng minh được Sang có hành vi phạm tội thì phải đình chỉ theo Điểm b, Khoản 1, Điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự. Vì vậy, vụ việc này cần phải được xem xét lại. Từ đó, VKSND tối cao yêu cầu VKSND tỉnh Tiền Giang kiểm tra vụ việc, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao. Sau đó anh Sang cũng tiếp tục làm đơn gửi công an huyện khiếu nại về quyết định đình chỉ nêu trên.

Ngày 14-3-2013, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Châu Thành, Thượng tá Trần Hữu Phong đã ra quyết định “đính chính” lại lý do đình chỉ bị can với anh Sang. Theo văn bản này căn cứ vào kết quả xác minh xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án thì thấy việc viện dẫn Khoản 1, Điều 25, BLHS để làm cơ sở đình chỉ bị can với anh Sang là sai. Do đó công an huyện đã ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ bị can ngày 14-11-2012 nêu trên. Đồng thời công an huyện cũng ban hành quyết định đình chỉ khác theo Điểm b, Khoản 2, Điều 164, BLHS (đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm). Lúc này anh Sang chính thức được minh oan.

Khấp khởi ôm niềm vui từ những người thân thích, Sang hãnh diện báo cho ông Niên biết tin, ông vui mừng không kể xiết. Sau nhiều lần thỏa thuận không thành cuối năm 2013 anh Sang chính thức khởi kiện TAND huyện Châu Thành yêu cầu tòa bồi thường hơn 113 triệu đồng tiền tổn thất vật chất và tinh thần trong suốt thời gian bị làm oan. Sang còn yêu cầu tòa phải tổ chức buổi xin lỗi công khai anh tại nơi sinh sống, đăng lời xin lỗi trên một tờ báo địa phương và một tờ báo trung ương trong ba số liên tiếp, để khôi phục danh dự cho mình. Tất cả các yêu cầu này đã được tòa chấp nhận tại buổi hòa giải thành ngày 23-7.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm