Sáu năm qua, Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là quỹ) đã thay đổi số phận nhiều người từng sa ngã, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Nhiều người vươn lên thành những ông bà chủ...
Từ tay trắng thành ông chủ
Sau khi mãn hạn tù, anh Đỗ Tân Dụng về nhà ở xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ và ngao ngán với cảnh thiếu thốn của gia đình. Có nghề hàn, anh đi làm thuê nhưng tiền công không đủ nuôi sống gia đình. Cùng đường, anh mang mảnh vườn 4.000 m2 mà cha mẹ chia cho đi thế chấp lấy tiền trang trải nợ nần, đóng học phí cho con.
Tháng 7-2013, anh may mắn được quỹ chọn cho vay 30 triệu đồng. Anh chia số tiền làm đôi, một nửa đầu tư cho xưởng cơ khí nhỏ để làm kế sinh nhai, nửa còn lại anh giao cho vợ mua con heo nái và phân về bón cho cây trái trong vườn.
Làm ăn đàng hoàng, xưởng cơ khí của anh nhanh chóng chiếm cảm tình của người dân địa phương. Nay anh đã trở thành một ông chủ của cơ sở chuyên gia công hàn sắt, gia đình có hẳn một trại chăn nuôi với tám con heo nái và 70 con heo thịt, mang lại thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng, chuộc lại được cả mảnh vườn.
Công an tỉnh Đồng Nai đang trao vốn cho những người hoàn lương. Ảnh: TD
Tạo sinh kế, giúp hoàn lương
Còn anh Nguyễn Văn Ngọ (45 tuổi, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) ra tù vào dịp Tết năm 2014. Về đến nhà, thấy căn nhà gỗ đã mục nát, bốn đứa con bơ vơ vì vợ đã bỏ nhà theo người đàn ông khác khi anh còn đang cải tạo. Biết được hoàn cảnh, Công an xã Xuân Hòa đến động viên, vào lâm trường mượn 3 ha đất rừng tràm để anh canh tác hoa màu, tham mưu cho xã duyệt hồ sơ để anh vay 20 triệu đồng từ quỹ. Có vốn, anh trồng khoai mì và ngay vụ đầu tiên anh thu hoạch gần 40 triệu đồng. Từ khoản tiền này, anh vay mượn thêm của họ hàng xây lại căn nhà, cuộc sống gia đình dần ổn định. Điều quan trọng là bốn đứa con của anh vẫn đến trường, hai cô con gái vào ĐH...
Rất nhiều số phận vươn lên hoặc ít ra cũng ổn định cuộc sống khi được vay tiền từ quỹ như anh Trần Thế Linh ở xã Bình An, huyện Long Thành; bà Đinh Thị Phượng ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc...
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, quỹ đã phát huy hiệu quả, góp phần kéo giảm tình hình tái phạm trong những người lầm lỡ. Mô hình này được Bộ Công an đánh giá cao và thông báo đến công an các tỉnh, thành trong cả nước học tập.
Đã có tám lượt công an các tỉnh, thành như Hòa Bình, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, TP Đà Nẵng đến nghiên cứu, học hỏi. Đặc biệt, mô hình quỹ tỉnh Đồng Nai đã được bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen.
Giải pháp nhân văn mang tính đột phá Cái được lớn nhất của quỹ là ngăn việc tái phạm. Đây là giải pháp mang tính đột phá, là mô hình điểm toàn quốc trong hoạt động giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế của địa phương. Ngành công an luôn mong muốn, tạo mọi điều kiện để người hoàn lương có cơ hội làm lại cuộc đời và chỉ cần có ý chí làm ăn, khao khát làm người lương thiện, công an sẽ ủng hộ, mở nguồn quỹ để họ được vay vốn làm ăn, làm giàu. Hiện số tiền duyệt cho vay ít nhất 5 triệu đồng, nhiều nhất là 30 triệu đồng cho mỗi trường hợp và ban quản lý quỹ đang nghiên cứu thay đổi điều lệ quỹ để tăng thêm số tiền cho vay. Đến nay đã có hơn 900 người được mượn vốn nhưng nguồn vốn có hạn, không đủ đáp ứng nhu cầu của người vay. Trong số những người vay vốn, trong năm 2016 chỉ có hai trường hợp tái phạm, hai trường hợp sử dụng vốn không đúng mục đích do yếu tố khách quan. Dự kiến năm 2016 sẽ thu hồi hơn 5 tỉ đồng nợ nhưng chỉ mới thu hồi được hơn 2 tỉ đồng. Dù gặp khó về vốn nhưng quỹ góp phần rất lớn trong việc ngăn chặn tái phạm, được đánh giá rất cao trong toàn quốc. Quỹ cộng với câu lạc bộ hoàn lương (52 câu lạc bộ với 1.480 thành viên) là hai mô hình đặc trưng của Công an tỉnh Đồng Nai trong ngành công an. Người vừa ra tù luôn có cảm giác bơ vơ, thường nhìn cuộc sống ở góc tối. Khi được quan tâm, cho mượn tiền, họ cảm giác có một điểm tựa và sẽ cầu tiến. Đây là mô hình nhân văn, nhân đạo tạo sự đồng lòng của các doanh nghiệp, doanh nhân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nhân, doanh nghiệp chưa đồng hành với quỹ. Tôi sẽ vận động, thuyết phục các doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục đóng góp ủng hộ cho quỹ bằng việc góp tiền, nhận và tạo điều kiện nhận những người ra tù vào làm việc; Công an tỉnh Đồng Nai rất mong các doanh nhân, doanh nghiệp và người dân tiếp tục đồng hành cùng với quỹ. Đại tá HUỲNH TIẾN MẠNH, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự |
Hơn 900 lượt người được tạo điều kiện hoàn lương Năm 2010, giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai lúc đó chỉ đạo xây dựng đề án thành lập quỹ. Tháng 10-2010, Đồng Nai cấp phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ. Qua sáu năm hoạt động, có 241 lượt cơ quan, doanh nghiệp đóng góp vào quỹ với số tiền gần 13 tỉ đồng và Ngân hàng Phát triển đầu tư Chi nhánh Đồng Nai là đơn vị tiếp nhận tiền đóng góp của các doanh nghiệp, giữ số tiền này để quỹ hoạt động. Thời gian qua hơn 900 lượt người vay vốn với số tiền hơn 17 tỉ đồng, đa số có việc làm ổn định, sống đầm ấm, hạnh phúc… |