Mới đây, 68 người dân thôn Nhĩ Trung (xã Gio Thành, huyện Gio Linh, Quảng Trị) đã có đơn thừa nhận việc cùng đánh hai người nghi trộm chó khiến họ chết rạng sáng 29-8-2012. Trước đó, trong vụ này, ngày 28-3, TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên phạt 10 bị cáo đánh chết nghi can trộm chó từ hai năm tù treo đến ba năm tù về tội cố ý gây thương tích.
Tương tự, đầu tháng 9-2013, bảy người dân đánh chết người trộm chó trong xã Danh Thắng (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã bị khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích. Ngay sau đó, hàng trăm người trong xã đã ký đơn xin nhận tội vì “có tham gia đuổi đánh”.
Vậy lời tự thú có thể xem là chứng cứ buộc tội?
Người dân vây kín hiện trường, không cho xe cứu thương chở thanh niên trộm chó đi cấp cứu trong một vụ tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.Ảnh: BT-NX
Trước hết, cơ quan điều tra (CQĐT) phải kiểm tra cẩn thận từng trường hợp cụ thể để xem xét họ có phải là người đã thực hiện hành vi phạm tội, là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của hai người nghi trộm chó hay không. Trên cơ sở đó mới có thể ra quyết định khởi tố bị can đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội.
Việc kiểm tra này phải làm rõ có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích của từng người: Có thực hiện hành vi gây thương tích hay không như đánh vào đâu, đánh như thế nào, bằng phương tiện gì, đánh vào thời gian nào, ai chứng kiến, có đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay không, hậu quả đánh có phù hợp với kết quả giám định hay không… Chẳng hạn, nếu lời khai của một người nào đó đánh một cái vào chân của nạn nhân nhưng kết quả giám định lại chỉ ra nguyên nhân chính gây ra thương tích dẫn đến chết người là do bị đánh vào bộ phận khác thì họ không phải là người đã gây ra cái chết cho nạn nhân.
Lời khai của những người nêu trên được xem là chứng cứ khi nó phù hợp với chứng cứ khác mà CQĐT thu thập được một cách khách quan và hợp pháp.
Hiện án chưa có hiệu lực (vì chưa hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị) nên nếu qua điều tra, chứng minh được 68 người này là đồng phạm thì tòa án cấp phúc thẩm có quyền hủy án, chuyển hồ sơ để cấp sơ thẩm giải quyết lại. Trường hợp án đã có hiệu lực nhưng qua điều tra thấy có tình tiết mới phát hiện (tự thú) hoặc có sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án thì án có thể bị kháng nghị tái thẩm hoặc giám đốc thẩm để giải quyết lại.
TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM
Không vi phạm mà tự thú: Thách thức pháp luật, xã hội Cho dù có căm phẫn thế nào đi nữa trước hành vi trộm chó nhưng xã hội không thể chấp nhận việc tự xử, đứng trên luật pháp của người dân. Những hành vi sai phạm như thế đều phải được xử lý bằng pháp luật. Hiện tượng có nhiều người tự thú sau phiên tòa như vậy có hai điểm cần bàn. Thứ nhất, nếu thực sự họ có hành vi vi phạm thì việc tự thú sẽ giúp cơ quan chức năng xử lý vụ việc một cách toàn diện, tránh lọt người phạm tội. Xã hội khuyến khích người vi phạm đầu thú, tự thú để chịu trách nhiệm, thể hiện sự hối cải của lương tri (và đương nhiên khi bị xử lý họ sẽ được hưởng khoan hồng). Ở đây, việc tự thú là thái độ, hành vi tích cực. Tuy nhiên, nếu họ không vi phạm nhưng vẫn ra tự thú thì đây là một biểu hiện tiêu cực rất đáng lo ngại. Bởi lẽ nó thể hiện sự bao che, quấy nhiễu, chống đối, làm khó cơ quan công quyền. Là hiện tượng người dân đồng lòng đoàn kết để bảo vệ cho nhau mà thực chất là bảo vệ cái xấu nhằm thách thức pháp luật, thách thức xã hội. Qua hành vi này, tiếp tục cho thấy một hình thái tiêu cực khác là sự mất niềm tin của người dân trước cách xử lý của cơ quan chức năng như thiếu sự quyết liệt, phương án tối ưu để giải quyết nạn trộm chó nên người dân mới hè nhau tự xử rồi cùng nhau làm rối tình hình… Những vấn đề này cần phải được xem xét kỹ lưỡng để giải quyết thấu đáo, đúng bản chất, đúng quy định chứ nếu không sẽ còn xảy ra những tình huống tương tự, cái xấu tiếp tục chồng lấn lên nhau. TRẦN QUÝ TÂN (nhà xã hội học) |