Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, đại diện các trường nêu ra tại hội thảo về công tác tư vấn học đường ở các trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM vào sáng 30-8. Hội thảo do Sở GD&ĐT, Viện Nghiên cứu phát triển TP và Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tổ chức.
Nhiều đại biểu cho rằng tư vấn tâm lý là cần thiết nhưng hiệu quả thực hiện ở các trường chưa cao. Công tác này mới dừng lại theo kiểu giải đáp thắc mắc hay băn khoăn của học sinh (HS), cách làm thiếu tính chuyên nghiệp.
Lý giải về vấn đề này, TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng nhiều trường học chỉ tập trung vào đối phó với thi cử, vẫn còn coi nhẹ hoạt động tư vấn tâm lý học đường, kể cả giáo dục con người. Hầu hết thời gian đều được sử dụng vào việc học, hoạt động giáo dục được phân bổ rất ít thông qua sinh hoạt ngoại khóa hoặc sinh hoạt lớp, dưới cờ… Thời gian cho các em trải nghiệm trong cuộc sống hầu như không đáng kể. Vì thế, nhiều vấn đề các em mắc phải về tâm lý thì nhà trường hầu như bất lực, không có điều kiện giải quyết. Theo ông Minh, điều này một phần do các trường chưa thấy được vai trò của tư vấn tâm lý học đường hoặc gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, cơ chế, chính sách…
“Nên chăng phải xác lập hệ thống tham vấn tâm lý học đường với cơ chế, chức năng và chính sách phù hợp. Đội ngũ này phải được đào tạo chuyên môn bài bản từ các trường ĐH chuyên ngành” - ông Minh góp ý.
Bà Phùng Thị Nguyên Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Lâm, cũng cho rằng giờ làm việc tốt nhất của phòng tư vấn phải là ngoài giờ học của các em và phải giữ nguyên tắc bí mật tuyệt đối. Từ đó các em mới tin tưởng và có thể mạnh dạn nói lên tâm tư của mình. Để làm được điều đó, theo bà Thu, công tác này đòi hỏi cái tâm và trách nhiệm rất lớn của giáo viên, dù kiêm nhiệm hay chuyên trách. Vì vậy, đội ngũ này cần có cơ chế, chính sách cụ thể để họ có thể làm việc tốt và ngay cả người quản lý cũng phải có trách nhiệm coi trọng công tác này.
Đồng tình, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cũng cho rằng tư vấn với HS đòi hỏi hai nguyên tắc là bí mật và lòng tin nhưng nhiều mối quan hệ của giáo viên và HS còn xung đột, phòng tư vấn còn thiếu độc lập với nhà trường và phụ huynh khiến HS chưa yên tâm. “Tư vấn cho HS mà nói “em có vấn đề gì cứ nói đi” như kiểu công an hỏi thì sao các em nói được” - TS Nguyên thẳng thắn.
Sở GD&ĐT nên tạo ra kênh liên kết những người làm tư vấn tâm lý học đường với nhau hoặc lập ra trang web chung để khi gặp ca khó hoặc gặp những tình huống phức tạp thì các giáo viên có thể nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm kịp thời từ nhiều người. Cô NGUYỄN THỊ MỸ LINH, giáo viên tư vấn của Trường THCS-THPT Việt Anh |