Vừa qua, TAND TP Hà Nội có quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bị cáo Nguyễn Huy Khang (65 tuổi, trú huyện Tân Yên, Bắc Giang) do xét thấy không cần thiết sau 13 năm bị cáo này bị bắt tạm giam. Vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận bởi thời gian tạm giam quá dài.
Việc tạm giam đến 13 năm là sự việc hy hữu trong tố tụng Việt Nam. Vụ án kéo dài đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và có nhiều vấn đề đáng quan tâm cả về thủ tục tố tụng và nội dung vụ án. Đến nay các bị can vẫn tiếp tục kêu oan và tòa án sẽ phải thận trọng trong việc đánh giá chứng cứ để giải quyết vụ án.
Quy định thời hạn phức tạp
Tố tụng hình sự Việt Nam thực hiện qua các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm nếu có). Mỗi giai đoạn tố tụng có các quy định về thẩm quyền, về thời hạn và thủ tục đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. BLTTHS 2003 trước đây và BLTTHS 2015 đều có những quy định về thời hạn điều tra, tạm giam, thời hạn truy tố, thời hạn xét xử đối với từng loại tội phạm.
Theo đó, Điều 173 BLTTHS 2015 quy định về thời hạn tạm giam để điều tra như sau:
1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, CQĐT phải có văn bản đề nghị VKS gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 1 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 2 tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 3 tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 4 tháng.
5. Trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng VKSND Tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 4 tháng.
Trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam quy định tại khoản này đã hết mà chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng VKSND Tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nhưng không quá 1 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 2 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trường hợp đặc biệt đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia mà không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng VKSND Tối cao quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra.
6. Trường hợp cần thiết đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng VKSND Tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nhưng không quá 4 tháng; trường hợp đặc biệt không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng VKSND Tối cao quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra.
7. Trong thời hạn tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì CQĐT phải kịp thời đề nghị VKS hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét thấy cần thiết thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người bị tạm giam phải được trả tự do. Trường hợp xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Bên cạnh quy định về thời hạn tạm giam, BLTTHS 2015 còn quy định về các thời hạn điều tra, truy tố, xét xử cũng như việc gia hạn. Thời hạn tạm giam cũng được BLTTHS quy định đối với từng giai đoạn tố tụng theo nguyên tắc là không được vượt quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
Cần phải quy định một thời hạn tối đa cho từng loại tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thời hạn tạm giam để thực hiện các thủ tục tố tụng này kể cả trường hợp bản án bị hủy để điều tra, xét xử lại.
TS-LS ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay quy định rất phức tạp về thời hạn điều tra, thời hạn truy tố, thời hạn xét xử. Không chỉ quy định thời hạn chung mà còn quy định về gia hạn, quy định về trả hồ sơ để điều tra bổ sung dẫn đến thủ tục tố tụng hình sự với mỗi vụ án sẽ khác nhau tùy thuộc vào việc vụ án có được gia hạn hay không, có bị trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không…
Bất cập "quay vòng tố tụng"
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì với loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thời hạn điều tra, truy tố, xét xử kể cả thời hạn gia hạn cũng không quá 3 năm. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể rằng hết thời hạn này mà không chứng minh được tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng phải tuyên bố bị cáo không phạm tội hoặc đình chỉ vụ án. Trong khi lại có quy định về hủy bản án để điều tra, truy tố, xét xử lại.
Khi kết thúc một chu trình tố tụng (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử) mà bản án bị hủy để điều tra lại từ đầu thì thủ tục, thời hạn thực hiện thủ tục lại tính lại từ đầu…
Chính việc "quay vòng tố tụng" này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tạm giam kéo dài như trường hợp ông Nguyễn Huy Khang nói trên, bị tạm giam 13 năm.
Cần quy định thời hạn tối đa
Luật hiện hành chưa có quy định về thời hạn điều tra tối đa. Đây khoảng trống về pháp lý và cần được sửa đổi trong thời gian tới để đảm bảo nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ chứng minh tội phạm.
BLTTHS 2015 quy định các nguyên tắc cơ bản, trong đó có quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13), nguyên tắc về nghĩa vụ chứng minh (Điều 15) và nguyên tắc tranh tụng (Điều 26). Những quy định này đòi hỏi phải tuân thủ về thời hạn chứng minh, hết thời hạn chứng minh mà không chứng minh được bị can, bị cáo phạm tội thì phải tuyên bố bị cáo không phạm tội.
Tuy nhiên, đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể về quy định này để làm rõ cơ quan tiến hành tố tụng được áp dụng thời hạn để chứng minh bao nhiêu lần. Chính vì vậy mỗi khi bản án hình sự bị tòa án cấp trên hủy bỏ để điều tra, truy tố, xét xử lại thì “thời hạn chứng minh” lại được tính lại từ đầu, dẫn đến thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, thời hạn tạm giam “quay vòng” không có hồi kết…
Do đó, cần phải quy định một thời hạn tối đa cho từng loại tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thời hạn tạm giam để thực hiện các thủ tục tố tụng này kể cả trường hợp bản án bị hủy để điều tra, xét xử lại. Nếu qua thời điểm đó mà không chứng minh được tội phạm thì phải tuyên bố bị can, bị cáo không phạm tội, đình chỉ vụ án. Không thể để một vụ án hình sự mà cơ quan tiến hành tố tụng phải mất 13 năm để chứng minh tội phạm như vụ án này.