Ngày 11-7, đại diện VKSND TP.HCM đã nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu tổng giám đốc Công ty AIC) 22-24 năm tù về các tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt của 2 bản án trước đó, tòa buộc bị cáo Nhàn chấp hành chung là 30 năm tù.
Bà Nhàn bị xét xử vắng mặt và có 5 luật sư bào chữa, gồm: 1 luật sư được tòa chỉ định và 1 luật sư được cơ quan điều tra chỉ định, 3 luật sư bào chữa thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội được người thân của bà Nhàn mời để bào chữa cho bà trong phiên tòa này.
Nhiều bạn đọc thắc mắc, người thân có quyền mời luật sư bào chữa cho người nhà đang là bị can, bị cáo hay không?
Theo luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc người thân mời luật sư cho người nhà đang là bị can, bị cáo là điều mà pháp luật cho phép, ghi nhận. Cụ thể, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 75 BLTTHS, người bào chữa là do chính người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn.
Về người thân thích của người bị buộc tội, tại điểm e khoản 1 Điều 4 BLTTHS quy định, đây là những người có quan hệ với bị can, bị cáo, gồm: vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.
Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của bị can, bị cáo có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho bị can, bị cáo để có ý kiến về việc nhờ người bào chữa.
Bên cạnh đó, theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM), trong các trường hợp bị can, bị cáo phạm tội mà quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi. Nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ.
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức như đoàn luật sư, trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước… cử người bào chữa cho họ.