Nóng trong tuần

Từ vụ ngộ độc botulinum: Giờ ăn cái gì cũng sợ

(PLO)- Chả lụa không phải là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc botulinum, vậy nguyên nhân do đâu và làm thế nào để phòng tránh chất độc này?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra sáu ca ngộ độc botulinum. Bước đầu nghi ngờ do các bệnh nhân ăn chả lụa dẫn đến ngộ độc botulinum, tuy nhiên ngày 25-5, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết kết quả xét nghiệm mẫu chả lụa nghi gây ngộ độc cho sáu người là âm tính.

Dù đến nay vẫn chưa rõ nguồn lây vi khuẩn botulinum xuất phát từ đâu nhưng ngộ độc vi khuẩn này rất nguy hiểm.

Từ đây, nhiều bạn đọc thắc mắc vì sao những người này lại bị ngộ độc botulinum, có phải do thức ăn gây nên không và làm thế nào để phòng tránh ngộ độc botulinum?

Bác sĩ đang cứu chữa cho bệnh nhân bị ngộ độc khi ăn bánh mì kẹp chả lụa. Ảnh: BVCC

Bác sĩ đang cứu chữa cho bệnh nhân bị ngộ độc khi ăn bánh mì kẹp chả lụa. Ảnh: BVCC

Mong sớm tìm ra nguyên nhân gây ngộ độc

Chị Trần Thị Thủy (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết do công việc bận rộn nên chị thường xuyên sử dụng thức ăn đóng hộp, chế biến sẵn ở chợ. Tuy nhiên, theo thông tin những ngày qua chị tìm hiểu thì chất độc botulinum xuất phát từ thực phẩm muối chua, đóng hộp, ủ kín, điều này làm chị rất lo ngại.

Chị Thủy chia sẻ: “Gần đây có liên tiếp các ca nhiễm độc mà chưa xác minh được nguyên nhân, giờ không biết phải làm sao để đảm bảo an toàn trong ăn uống. Giờ ăn cái gì cũng sợ ngộ độc, rất mong các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân rõ ràng để người dân biết, phòng tránh”.

Tương tự, chị Thái Thiên Ngọc (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng tỏ ra lo lắng về thông tin những ca nhiễm độc botulinum vừa qua.

“Ban đầu nghe tin người ta bị ngộ độc do ăn chả lụa nên mấy ngày nay nhà tôi không dám ăn. Nhưng sau đó lại biết không phải do chả lụa mà có thể do một số loại thức ăn khác, bây giờ đi chợ không dám mua gì vì tâm lý cứ sợ. Mong các chuyên gia có thể chỉ ra cụ thể những cách bảo quản thực phẩm đúng để những người nội trợ như tôi được biết” - chị Ngọc nói.

Thực phẩm gây ngộ độc botulinum thường gặp nhất là thịt hộp, đặc biệt là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình…

Cách nào phòng tránh ngộ độc botulinum?

Trao đổi với PV, ThS-BS CKII Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa BV Nguyễn Tri Phương, giải thích: Nguyên nhân ngộ độc botulinum là do một loại vi khuẩn clostridium botulinum gây ra. Loại vi khuẩn này sống trong yếm khí, có nghĩa là môi trường không có không khí, nồng độ ôxy rất thấp.

môi trường sống của chúng ta, vi khuẩn này không sống được vì có lượng ôxy cao. Vì vậy, chúng tạo ra các bào tử là những vỏ bọc giúp vi khuẩn ngủ đông. Đến khi gặp môi trường kín, không có không khí thì chúng sẽ tái hoạt, phá vỏ bao bào tử sản sinh ra chất độc botulinum.

Vi khuẩn clostridium botulinum có ở khắp nơi, nhiều nhất là ở đất cát. Độc tố botulinum là một chất độc cực mạnh, có thể gây tử vong với lượng nhỏ.

Theo ThS-BS Trần Ngọc Lưu Phương, điểm đặc biệt của vi khuẩn botulinum chính là khi chúng nhiễm vào thực phẩm nhưng không làm ôi thiu nên người ăn khó nhận biết bằng cảm quan dẫn đến dễ bị ngộ độc. Ngộ độc nặng có thể gây chết người ngay lập tức.

Tuy nhiên, nếu thấy các loại thực phẩm đồ hộp bị phồng lên thì khả năng cao là có chất botulinum. Bởi khi vi khuẩn kỵ khí này phát triển mạnh, chúng sản sinh ra nhiều khí gây phồng vỏ hộp.

Bên cạnh đó, khi chế biến thực phẩm tươi sống tại nhà hoặc các nhà sản xuất, chế biến các loại đồ đóng hộp, chai lọ cần phải thực hiện trong môi trường sạch, thường xuyên vệ sinh nơi chế biến, tránh bụi bẩn, đất cát bám vào.

Khi đóng gói thực phẩm sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn botulinum tái hoạt, các nhà sản xuất phải chiếu tia khử khuẩn để thực phẩm an toàn. Mọi người không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá.

ThS-BS Phương cũng chia sẻ thêm nên thực hiện ăn chín, uống sôi. Thức ăn nên được nấu ở nhiệt độ 100 độ C trong vòng 10-15 phút.

Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng muối, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên sử dụng. Nên sử dụng độ chua hay độ mặn trên 5% (5% g muối/100 g thức ăn).

Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.•

Những thực phẩm có thể dẫn đến ngộ độc botulinum

Thực phẩm gây ngộ độc botulinum thường gặp nhất là thịt hộp, đặc biệt là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo...

Ngoài ra, vi khuẩn này có thể từ loại thực phẩm rau củ quả, hải sản… được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (ví dụ đồ hộp, can, lon, chai, lọ…) cùng môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố botulinum gây ngộ độc.

Các thực phẩm không được nấu chín trước khi ăn hoặc nấu chín nhưng để lâu dẫn đến bị ôi thiu cũng có thể gây ngộ độc.

Đặc biệt, sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín trước khi ăn cũng dẫn đến ngộ độc botulinum.

ThS-BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG, Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa

BV Nguyễn Tri Phương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm