Từ vụ SAGRI, lại bàn về thời điểm xác định thiệt hại

Viện trưởng VKSND TP.HCM vừa ra quyết định kháng nghị vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

Thiệt hại nhiều hơn mức tòa tuyên?

VKSND TP.HCM không đồng tình việc xác định thiệt hại của Nhà nước theo án sơ thẩm đã tuyên là 348 tỉ đồng. Từ đó, VKS đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xác định lại thiệt hại theo hướng số tiền thực tế Nhà nước bị thất thoát, lãng phí phải được xác định tại thời điểm thiệt hại được ngăn chặn.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: NGUYỆT NHI

Kháng nghị cho rằng đến ngày 9-5-2018, việc chuyển nhượng mới hoàn tất nên đến thời điểm này, SAGRI mất hoàn toàn quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất tại khu dân cư Phước Long B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức), TP.HCM.

Án sơ thẩm lấy ngày 22-7-2017 (thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng) là không đúng với Điều 10 Nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Kể từ khi SAGRI mất quyền kiểm soát, định đoạt với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất thì toàn bộ lợi ích trên đất, Nhà nước không được khai thác dẫn đến gây lãng phí. Thiệt hại đó của Nhà nước kéo dài đến ngày 19-7-2019, thời điểm mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an có văn bản yêu cầu tạm dừng mọi biến động đối với dự án.

Cạnh đó, cáo trạng không truy tố các bị cáo hành vi chiếm đoạt tài sản mà xử lý các bị cáo về hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Vì vậy, thiệt hại của Nhà nước phải được xác định tại thời điểm việc thất thoát, lãng phí được ngăn chặn. Do đó, cáo trạng xác định thiệt hại của vụ án là 672 tỉ đồng.

Trước đó, xử sơ thẩm, TAND TP.HCM cho rằng thiệt hại được xác định tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng dự án và hoàn tất việc cập nhật sang tên trên giấy. Theo kết luận giám định của Hội đồng định giá Trung ương, tại thời điểm hoàn thành chuyển nhượng dự án thì thiệt hại là hơn 348 tỉ đồng. VKS cho rằng thiệt hại tại thời điểm khởi tố 672 tỉ đồng là chưa phù hợp pháp luật.

Ngày 18-12-2021, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Lê Tấn Hùng (cựu tổng giám đốc SAGRI) 25 năm tù về tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cùng tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, tòa tuyên phạt các bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM), Trần Trọng Tuấn (cựu giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) và Vân Trọng Dũng (cựu chủ tịch HĐQT SAGRI) cùng mức án sáu năm tù… 

Không phải lần đầu tòa, viện bất đồng

Việc kháng nghị này cũng tương tự vụ sai phạm của ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) và các đồng phạm giao khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM. VKS từ đầu trong cáo trạng xác định thiệt hại là 2.554 tỉ đồng. Công ty Lavenue đã nộp ngân sách 647 tỉ đồng nên thiệt hại còn 1.927 tỉ đồng. Còn tòa sơ thẩm xác định thiệt hại là giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm thực hiện hành vi sai phạm, tương đương 900 tỉ đồng, trừ đi 647 tỉ đồng các nhà đầu tư đã nộp vào ngân sách thì còn lại 252 tỉ đồng.

Tranh cãi về vấn đề này lúc đó, luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) phân tích năm 2018, hội đồng định giá khu đất 8-12 Lê Duẩn trị giá 2.574 tỉ đồng với điều kiện cho thuê 50 năm trả tiền hằng năm. Nhưng vấn đề cần nhấn mạnh, thiệt hại sẽ ra con số 1.927 tỉ đồng nếu đã thuê đủ 50 năm.

Tuy nhiên, vụ án này chỉ sau bốn năm đã bị phát hiện và đình chỉ việc thuê, Nhà nước đã thu hồi lô đất và hiện nay sử dụng theo phương án mới. Vậy 46 năm còn lại (trong thời hạn thuê đất 50 năm) thì Nhà nước không còn thiệt hại hoặc thất thoát gì trong vụ án. Còn nếu tính toán thiệt hại như VKS thì các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự cho cả những thiệt hại dự kiến sẽ xảy ra trong 46 năm tới và không do mình gây ra hoặc quản lý.

Đồng tình, một thẩm phán chuyên xử hình sự tại TP.HCM cũng cho rằng tính thiệt hại tại thời điểm các bị cáo hoàn thành hành vi phạm tội chứ không thể ước tính thiệt hại tương lai để quy kết cho các bị cáo. Bởi khi thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo sao có thể biết hết việc gây thiệt hại ngoài mong muốn.

Quan điểm này của các chuyên gia trên cũng được TAND Cấp cao tại TP.HCM đồng tình khi xét xử phúc thẩm xem xét kháng nghị vụ giao đất vàng Lê Duẩn. HĐXX phúc thẩm nhận định việc xác định thiệt hại của VKS không phù hợp với chứng cứ tại hồ sơ vụ án và quy định pháp luật. Việc xác định thiệt hại của án sơ thẩm là đúng bởi phải căn cứ vào thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nên bác toàn bộ kháng nghị.

   

VKS dựa vào Nghị quyết 03 xác định thiệt hại

Đáng chú ý, tại phiên sơ thẩm vụ SAGRI, VKS tranh luận cho rằng việc xác định giá trị thiệt hại 672 tỉ đồng là hoàn toàn đúng. Giá trị chuyển nhượng theo Hội đồng định giá tố tụng hình sự Trung ương tại thời điểm chuyển nhượng đã là hơn 500 tỉ đến 168 tỉ đồng (giá trị hai công ty chuyển nhượng) thì thiệt hại là 332 tỉ đồng.

Theo Nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao và bản chất vụ án, giá trị chênh lệch thấp cao xem xét đến lợi ích các bên hướng đến. Thiệt hại còn kéo dài, thậm chí còn thiệt hại tiếp. VKS nêu cách đây hơn hai năm, giá hơn 800 tỉ đồng, giờ giá đất còn hơn. VKS cáo buộc đã áp dụng có lợi tại thời điểm ngăn chặn khởi tố, nếu áp dụng vào lúc thu hồi được thì giá trị đất là khác.

Bởi Điều 10 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xác định giá trị  tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra.

Khoản 1 quy định trường hợp tội phạm thực hiện liên tục, kéo dài thì  giá trị tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm kết thúc hành vi phạm tội. Đối với trường hợp hành vi phạm tội đang diễn ra nhưng bị phát hiện, ngăn chặn thì  giá trị  tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện, ngăn chặn.

Khoản 2 điều này đề cập trường hợp thiệt hại xảy ra tại thời điểm tội phạm được thực hiện thì thiệt hại được xác định tại thời điểm này. Đối với tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc. Trường hợp thiệt hại xảy ra hoặc kéo dài sau khi tội phạm được thực hiện hoặc sau khi tội phạm đã kết thúc thì thiệt hại được xác định tại thời điểm thiệt hại được ngăn chặn. Trong trường hợp không thể xác định được thiệt hại theo các hướng dẫn trên thì thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm