Lâu nay đã có rất nhiều trường hợp người bị trưng dụng, thu hồi đất bất mãn với chính sách bồi thường, tái định cư dẫn đến việc khiếu nại kéo dài, vượt cấp, thậm chí có hành vi chống đối. Vụ Tiên Lãng là một trong số này và đang được xem là “cao trào”.
Yếu kém trong khâu thực thi
Thực tế, tại nhiều địa phương trên cả nước nổi lên nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án, công trình dây dưa, kéo dài hàng chục năm do khâu giải phóng mặt bằng nhùng nhằng, chậm trễ. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng không thể không nói đến những bất cập trong chính sách: Hệ thống các quy định liên quan còn nhiều chồng chéo, vừa thừa vừa thiếu; việc thực thi còn thiếu triệt để, nhiều lúc, nhiều nơi người thực hiện đã cố tình làm sai (sai mục đích, sai đối tượng…) hoặc còn có hiện tượng tiêu cực, tham nhũng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chủ yếu chính là khâu thực thi chưa đúng, chưa đồng bộ, năng lực của cán bộ trực tiếp thực thi chính sách còn yếu, thậm chí cố tình vi phạm để trục lợi mà vụ Tiên Lãng là một ví dụ hết sức điển hình.
Một vấn đề cần phải thừa nhận là từ trước đến nay hầu như việc triển khai các dự án đều được làm theo cách cũ: Chính quyền ra quyết định thu hồi đất, sau đó định giá bồi thường, tiến hành giải tỏa, bàn giao mặt bằng, tiến hành xây dựng... Có không ít những vấn đề phát sinh từ cách làm này: Người dân không được tham gia ý kiến vào công việc có ảnh hưởng đến lợi ích thiết thân của họ, họ hoàn toàn bị động; cũng thế, chính quyền không nắm được những tâm tư, nguyện vọng từ phía người dân; người dân “không được biết, không được bàn, không được làm, không được kiểm tra”. Chung quy là người dân, đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự án, không có vai trò gì ngoại trừ tuân thủ chấp hành (hoặc chịu cưỡng chế). Các vấn đề này đã và đang là điều kiện phát sinh các mâu thuẫn, xung đột về lợi ích, phát sinh những khiếu nại, chống đối.
Nhà và tài sản của bị can Đoàn Văn Vươn đã bị phá hủy sau ngày cưỡng chế thu hồi đất. Ảnh: INTERNET
Thiếu cơ chế giám sát
Các nghị định của Chính phủ đều có những quy định về việc thành lập và củng cố tổ chức làm công tác bồi thường, giải tỏa và tái định cư; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức và cá nhân làm công tác bồi thường; xác định trách nhiệm của UBND các cấp, đoàn thể trong việc triển khai, chỉ đạo, quản lý và kiểm tra việc thực hiện các chủ trương và chính sách về bồi thường hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Thế nhưng lại chưa có những quy định về cơ chế giám sát (đặc biệt là các tổ chức có chức năng giám sát độc lập) dẫn đến tình trạng làm qua loa, du di, mạnh ai nấy làm, cả nể, thậm chí lợi dụng sơ hở trong cơ chế kiểm soát, kiểm tra để trục lợi. Công tác bồi thường, hỗ trợ vốn đã khó, phức tạp, nhạy cảm do vậy lại càng khó khăn hơn, trì trệ hơn và nhiều khuất tất hơn.
Kiến nghị cách giảm thiểu xung đột
Để tạo thuận lợi cho việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; để người dân sau tái định cư thật sự an cư, có đất ở, đất sản xuất, an tâm làm ăn, nâng cao chất lượng sống, theo chúng tôi, về mặt chính sách cần xử lý và hoàn chỉnh một số vấn đề sau:
1. Đảm bảo tính thống nhất, nhất quán trong chính sách bồi thường (nhất quán về thời gian, quy định), hỗ trợ tái định cư, tránh tình trạng mỗi địa phương, mỗi dự án, mỗi công trình có mức bồi thường và hỗ trợ khác nhau, từ đó làm nảy sinh ý tưởng so sánh quyền lợi từ phía người dân. Khẩn trương hoàn thiện các quy định của pháp luật, theo hướng dựa trên cơ sở thị trường để giải quyết vấn đề bồi thường cho người bị thu hồi đất theo hướng vừa chung (quy định chung của Nhà nước) vừa riêng (sự sáng tạo của địa phương): Thống nhất nhưng không đồng nhất (hay đánh đồng về đối tượng, địa phương), sáng tạo nhưng không vượt rào, nhất quán nhưng không duy ý chí (có sự sáng tạo từ thực tiễn của địa phương). Giao quyền tự quyết đối với một số hạng mục cho địa phương trên cơ sở quy định chung của Nhà nước.
2. Nâng cao chất lượng công trình quy hoạch tái định cư; chú ý đến yếu tố văn hóa, tập quán, thói quen của đồng bào các dân tộc khi xây các khu tái định cư. Cần quy định cụ thể, rõ ràng về hoàn nguyên những giá trị văn hóa, văn vật của cư dân chịu tác động; những quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại hữu hình và bồi thường thiệt hại vô hình.
3. Nâng cao năng lực thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các ban, ngành ở địa phương và các đơn vị tư vấn, cũng như tinh thần trách nhiệm, sự tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, của cán bộ thực thi việc kiểm kê, kiểm đếm, lập phương án bồi thường.
4. Có một kế hoạch dài hạn với nguồn tài chính đảm bảo trong nhiều năm để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khống chế một cách nghiêm chỉnh về quy mô thu hồi đất; xác định tiêu chuẩn bồi thường một cách hợp lý và hoàn thiện hơn nữa quy trình thu hồi đất.
5. Khắc phục những khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất dẫn đến sự khó khăn trong việc xác định điều kiện để được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bằng cách đưa vào những điều khoản để quy định rõ điều này.
6. Hoàn thiện chính sách về hậu tái định cư, cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của Nhà nước, các nhà đầu tư, chủ dự án về công tác hậu tái định cư tránh tình trạng “đem con bỏ chợ”, “nhóm dân cư bị bỏ rơi”; đảm bảo lợi ích thiết thân của người dân: Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, việc làm, học hành, các dịch vụ công cộng, văn hóa, tâm linh… Có quy định về thành lập ban chuyên trách về hậu tái định cư. Ban chuyên trách này có trách nhiệm theo dõi, nguyên cứu, lượng hóa, báo cáo về đời sống xã hội của người dân trước và sau tái định cư và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
7. Ban hành những chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi bất chính khi thực thi chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cần phải rõ ràng, minh bạch trong việc thực hiện các bước quy hoạch và triển khai dự án, bàn bạc công khai, thông báo đầy đủ đến người dân về các khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.
8. Luật nên quy định hình thành những tổ chức trung gian trong việc đánh giá, giám sát thực thi công tác bồi thường cũng như xác định giá (đất, nhà, tài sản gắn liền với đất...) để tránh trường hợp làm sai quy trình (đang là hiện tượng khá phổ biến trong công tác bồi thường), bao biện, vừa đánh trống vừa thổi kèn như hiện nay.
9. Xã hội hóa trong công tác di dời, giải tỏa, bồi thường, tái định cư; không chỉ định thầu các công trình tái định cư (hoặc quy định các công trình có vốn đầu tư nhỏ mới chỉ định thầu), các công trình lớn có ảnh hưởng lớn, tác động lớn, nhóm ảnh hưởng lớn sẽ quy định đấu thầu công khai.
10. Luật cần quy định rõ về thời gian tối đa cho từng hạng mục bồi thường (chẳng hạn thời gian tối đa cho việc xác định thời điểm xây dựng, nguồn gốc đất, số nhân khẩu, lấy ý kiến người dân...) để tránh trường hợp cán bộ thực thi chính sách “vẽ bóng”, cố tình làm trái, câu kết móc nối để trục lợi. có quy định chi tiết về việc thưởng đối với những đối tượng giao đất đúng thời hạn và phạt đối với những đối tượng chây ì trong công tác di dời gây thiệt hại cho Nhà nước.
PHẠM ĐI, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh