Từ vụ vỡ thủy điện Ia Krel 2: Hàng loạt thủy điện thi công ẩu

LTS: Mấy năm qua, hàng loạt thủy điện nhỏ và vừa mọc lên như nấm sau mưa ở các tỉnh Tây Nguyên đồng nghĩa với sông, suối bị chặn dòng tích nước. Tuy nhiên, các thủy điện này do chủ đầu tư nắm toàn quyền trong thi công, giám sát và họ có thể thay đổi thiết kế; không lắp đặt thiết bị quan trắc đập, đăng ký an toàn hồ đập, tự ý chặn dòng khi chưa được nghiệm thu... Vụ vỡ thủy điện Ia Krel 2 ngày 12-6 tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai) là hồi chuông cảnh báo

Không đợi đến lúc thủy điện Ia Krel 2 vỡ gây kinh hoàng cho dân làng Ia Dom các cơ quan chức năng mới thấy những lỗ hổng trong quản lý thủy điện nhỏ ở Tây Nguyên. Trước đây, hàng loạt sự cố đã xảy ra…

Nỗi lo sự cố thủy điện

Hơn nửa năm trước, mái tường thượng lưu đập tràn dài 60 m, cao 9 m của thủy điện Đăk Mek 3 (công suất 7,5 MW) tại địa bàn xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei (Kon Tum) đổ sụp làm một công nhân tử nạn. Theo lý giải của chủ đầu tư, tường sập là do xe tải chở đá lên công trình va vào. Sau đó, cơ quan chức năng kết luận là chủ đầu tư đã thi công đập sai so với hồ sơ thiết kế!

Cách đây chưa đầy một tháng, hai dự án thủy điện tại Đăk Lăk cũng xảy ra sự cố làm người dân lo sợ. Ngày 26-5, khi đang vận hành chạy thử thủy điện Ea Sup 3 (TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) thì một mảng tường dài khoảng 50 m của bể áp lực bị vỡ. Kênh dẫn dòng dài khoảng 2,1 km nằm phía trên bể áp lực bị rò rỉ nước rất nghiêm trọng. Nhiều đoạn xuất hiện các điểm rò liên tiếp, nước phun thành dòng, bê tông bị xói lở. Quan sát cho thấy đơn vị thi công đã dùng xi măng, cát đá để vá một cách vội vàng các điểm rò rỉ nhưng dòng nước vẫn tứa ra. Còn tại dự án thủy điện Sêrêpôk 4A, đơn vị thi công đổ đất lấp suối, thu hẹp dòng chảy khiến suối Ea La (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) dâng cao, tràn vào gây ngập lụt hàng trăm hecta hoa màu của người dân. Thủy điện này không có hồ chứa mà lấy nước từ thủy điện Sêrêpôk 4 ngay phía trên bằng một kênh dẫn dòng dài 15 km…

Tường mái thượng lưu thủy điện Đăk Mek 3 (Kon Tum) bị đổ sập khiến một công nhân tử nạn. Ảnh: DA

Sau mỗi vụ việc, hàng loạt bất cập dần lộ rõ hơn và các cơ quan chức năng mới giật mình vì những thảm họa bất thường có thể xảy bất cứ lúc nào từ thủy điện.

Hàng loạt bất cập

Không có sự cố vỡ đập thì không ai biết các con đập ấy được thi công tùy tiện như thế nào. Trong vụ sập tường ở thủy điện Đak Mek 3 (Kon Tum), cơ quan chức năng phát hiện lớp áo bê tông ở hai mái đập chỉ được đan một lớp thép mỏng (các chuyên gia cho rằng cần có  hai lớp thép). Lõi đập đổ bằng đất khô và đá rời rạc, trong khi yêu cầu là phải đổ bùn nhão. Mác bê tông bị đổi để giảm chi phí…

Còn ở thủy điện Ia Krel 2 của tỉnh Gia Lai vừa vỡ, các chuyên gia cho rằng có thể phần cống dẫn dòng bằng bê tông cốt thép ở đây có chất lượng thấp, bị rò rỉ nên dẫn tới sự cố vỡ đập. Chủ đầu tư “phán đoán” nguyên nhân vỡ đập có thể do quá trình thi công xe lu đất đã làm nứt phần cống dẫn dòng, gây nứt cục bộ… Các cơ quan chức năng đang tìm nguyên nhân vỡ đập nhưng có một điều chắc chắn là chủ đầu tư thủy điện Ia Krel 2 đã làm sai quy trình khi tự ý chặn dòng, tích nước trong khi chưa được nghiệm thu như lời nhận định của ông Huỳnh Ngọc Tục, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai.

Cống dẫn dòng thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai) đã bị vỡ trước khi tích nước. Ảnh: DA

Về bể áp lực của thủy điện Ea Sup 3 bị vỡ, một chỉ huy đội xây dựng cơ bản của chủ đầu tư cho biết: “Đúng thiết kế thì bể có hình thang, tường dày và phía ngoài đổ đất để gia cố. Tuy nhiên, để rút ngắn tiến độ nên đơn vị thi công làm tường mỏng, hình chữ nhật, không đổ đất gia cố!”.

Hàng loạt sự cố ở các thủy điện nhỏ nêu trên đã vi phạm quy định về quản lý an toàn thủy điện của Bộ Công Thương (Thông tư số 34). Bởi trong quá trình thi công, công tác kiểm định an toàn đập dường như bị chủ đầu tư, chủ dự án bỏ qua. Đặc biệt, việc tổ chức quan trắc, thu thập, lưu giữ tài liệu về các yếu tố diễn biến về thấm, rò rỉ nước qua thân đập, nền đập, vai đập, chuyển vị trí đập cũng như những diễn biến nứt nẻ, sạt trượt bị xem nhẹ. Trước khi vỡ tầng thượng lưu tại thủy điện Đăk Mek 3 (Kon Tum) hay vỡ đập dâng thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai) thì đã xuất hiện những vết nứt, rò rỉ trên thân đập. Nhưng chủ đầu tư bỏ qua những vấn đề này, chỉ đến khi xảy ra sự cố mới đổ lỗi cho nguyên nhân… khách quan (?!).

Bỏ mặc cho chủ đầu tư

Một điều bất cập hiện nay là theo phân cấp quản lý, thủy điện vừa và nhỏ do ngành công thương địa phương phê duyệt đầu tư, còn chất lượng công trình do chủ đầu tư tự lo. Điều này đã đặt sự an toàn, tính mạng và tài sản của người dân hạ lưu lòng hồ vào “lương tâm” của đơn vị đầu tư.

Cạnh đó, hàng loạt sự cố sập, nứt, đổ gãy các công trình thủy điện nhỏ thể hiện việc quản lý các dự án này quá lỏng lẻo: Sau sự cố đổ sập mái thủy điện Đăk Mek 3, chủ đầu tư mới cuống cuồng lục lọi hồ sơ nhưng cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư làm giả con dấu và có những dấu hiệu sai phạm từ đơn vị giám sát. Tương tự, vụ vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai), chúng tôi đã đề nghị ngành chức năng ở Gia Lai cung cấp thông tin về đơn vị thiết kế, thi công, giám sát công trình nhưng không ngành nào, kể cả giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cũng không thể cung cấp. Ngay cả đại diện chủ đầu tư cũng nói là “không nắm rõ vì đây là dự án thủy điện đầu tiên của đơn vị, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, thi công...”.

Một đơn vị tư vấn-thiết kế-đầu tư thủy điện tiết lộ: Bất cập lớn nhất với thủy điện nhỏ là cơ quan chức năng chỉ ký “thỏa thuận phê duyệt dự án”. Còn chi tiết kỹ thuật thiết kế là do chủ đầu tư tự phê duyệt nên chủ đầu tư có thể tự ý thay đổi thiết kế. Khi chủ đầu tư nắm toàn quyền trong thi công, giám sát, thay đổi thiết kế sẽ gây nhiều nguy cơ về sự cố. Đúng ra phải có những đơn vị tư vấn, thiết kế-giám sát ngăn chặn việc này. Nhà tư vấn lẽ ra có quyền giám sát nhưng họ chỉ là người đi làm thuê, làm sao nói được chủ?

Việc tự ý thay đổi thiết kế thủy điện vẫn đang tiếp tục xảy ra tại Tây Nguyên mà cụ thể là tại thủy điện Đăk Psi 5 (Kon Tum). Chủ đầu tư tự ý thay đổi từ đập tràn có ba cửa van, thành đập tràn tự do; tự ý nâng cao trình ngưỡng tràn từ 597 m thành 605 m…

Đã đến lúc cần siết chặt đầu tư thủy điện nhỏ để không còn những “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu người dân Tây Nguyên như hiện nay.

Mới đây, Sở Công Thương tỉnh Đăk  Lăk phối hợp với nhiều cơ quan chức năng kiểm tra 6 công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn có đến 5/6 công trình chưa lắp đặt thiết bị quan trắc đập. Thủy điện Krông Hin 2 chưa đăng ký an toàn hồ đập, chưa báo cáo hiện trạng an toàn hồ đập theo quy định, phát điện từ năm 2006 đến nay nhưng chưa kiểm định an toàn hồ đập. Thủy điện Đrây H’linh 1 kiểm định an toàn hồ đập lần đầu từ năm 1989 nhưng đến nay chưa tái kiểm định theo quy định của Bộ Công Thương. Các thủy điện Ea M’Đoan 2, Ea Tul 4, Sêrêpôk 4 có hiện tượng bị thấm…

Sáng 12-6, đập thủy điện Ia Krel 2 bị vỡ, gần 5 triệu m3 nước ùn ùn tràn qua làng Ó, làng Bi (huyện Đức Cơ) làm người dân cuống cuồng bỏ cả tài sản chạy thoát thân. Vụ vỡ cô lập 30 hộ gia đình, làm toàn bộ hoa màu, lương thực, gia súc, gia cầm của bà con bị  cuốn trôi. Chỉ đạo xử lý vụ này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thốt lên: Chúng ta đã rất may mắn vì sự cố không gây ra thảm họa… Đừng hy vọng những trường hợp sau sẽ gặp may mắn như thế.

______________________________________

244 thủy điện nhỏ ở Tây Nguyên thì có 163 dự án thủy điện đã và đang nghiên cứu, đầu tư xây dựng khiến 25.269 hộ dân bị ảnh hưởng; chiếm dụng 65.240 ha đất các loại (16.600 ha đất rừng). Bình quân, mỗi MW thủy điện ở Tây Nguyên mất gần 21 ha đất. Thủy điện gây xáo trộn lớn trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, gây ngập lụt, khô hạn cục bộ…

Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên

78  dự án thủy điện vừa và nhỏ bị loại bỏ vì nhiều lý do. Trong đó Gia Lai 14 dự án; Kon Tum 21 dự án và Lâm Đồng dự kiến bỏ 42 dự án.

DUY ANH –  THANH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới