Vụ tai nạn ô tô khách loại 45 chỗ ngồi chạy tuyến Đắk Lắk – Hải Dương xảy ra vào rạng sáng ngày 23-1 (đoạn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) khiến nhiều người quan tâm. Hậu quả bước đầu xác định hai người chết tại hiện trường, 20 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại các bệnh viện. Hiện phương tiện đang neo buộc tại vực sâu khoảng 30m đợi cầu tải trọng lớn để cẩu kéo.
Nguyên nhân sơ bộ được xác định là do trời mưa, sương mù làm hạn chế tầm nhìn, lái xe buồn ngủ nên gây tai nạn.
Ngay sau vụ tai nạn xảy ra, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT, Cảnh sát PCCC&CHCN khẩn trương tiếp cận hiện trường cấp cứu người bị nạn, tìm kiếm các nạn nhân. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình vực sâu thời tiết mưa, sương mù, trời tối nên việc cứu nạn gặp nhiều khó khăn.
Từ vụ việc trên, các chủ xe, lái xe đường dài cần lưu ý di chuyển dưới thời tiết sương mù, trời mưa. Hiện tượng sương mù thường xuất hiện khi có sự chênh lệch độ ẩm không khí. Hiện tượng này đa phần xảy ra vào trời sáng sớm hay chiều tối, xuất hiện vào mùa xuân và mùa đông, đặc biệt ở các khu vực vùng núi. Trời sương mù sẽ khiến tầm nhìn người lái bị hạn chế, cao nhất cũng chỉ khoảng 5 – 7 m.
Khi lái xe đường sương mù, để đảm bảo an toàn, người lái cần có kinh nghiệm, kỹ năng lái xe nhất định.
Bật đèn sương mù
Phần lớn xe ô tô hiện nay được trang bị sẵn đèn sương mù phía trước (còn gọi là đèn gầm hay đèn phá sương). Đèn sương mù có nhiệm vụ định vị và hỗ trợ tăng sáng khi xe chạy trong điều kiện hạn chế tầm nhìn như sương mù, mưa phùn. Loại đèn này cũng có khả năng tăng tính định vị với xe chạy ngược chiều, vừa hỗ trợ tăng sáng giúp người điều khiển xe quan sát tốt hơn trong điều kiện ánh sáng yếu. Do đó khi lái xe ô tô đặc biệt là trời mưa, sương mù thì chủ xe nên bật đèn này để đảm bảo an toàn.
Bật đèn cos, không bật đèn pha
Theo kinh nghiệm lái xe trời sương mù của nhiều bác tài, khi lái xe đường sương mù nếu trời quá tối chỉ nên bật đèn cos, không nên bật đèn pha. Tuy đèn pha có cường độ ánh sáng mạnh hơn, chiếu xa hơn nhưng do trời có sương mù dày nên ánh sáng của đèn sẽ bị phản xạ ngược lại, điều này cũng khiến người lái xe khó quan sát hơn.
Giữ tốc độ và khoảng cách an toàn
Cách lái xe trong sương mù khó hơn bình thường do tầm nhìn hạn chế hơn, đường sá trơn trượt hơn, các tài xế cần chạy chậm, giữ tốc độ và khoảng cách an toàn, tránh bám đuôi quá sát xe trước để kịp thời xử lý nếu xảy ra tình huống bất ngờ.
Tránh phanh gấp, chuyển hướng đột ngột
Người lái xe cần hạn chế các tình huống phanh gấp, các trường hợp cần đạp phanh bạn nên chủ động giảm tốc độ, đạp phanh từ sớm. Trời mưa làm đường trơn nên quãng đường phanh thường dài hơn. Đạp phanh sớm sẽ tránh và giảm được nguy hiểm khi phanh gấp, phanh đột ngột. Phanh gấp khi lái xe trời mưa dễ khiến lốp xe bị trượt dẫn đến xe bị mất lái, gây ảnh hưởng và làm người chạy sau không xử lý kịp.
Chạy bám theo vạch kẻ đường và chạy ở số thấp
Trong trường hợp trời sương mù quá dày đặc thì theo kinh nghiệm lái xe trời sương mù nên chạy xe bám theo vạch kẻ đường bên dưới, chạy đúng làn đường quy định để đảm bảo an toàn. Đồng thời chủ xe nên chạy xe ở số thấp. Khi chạy xe số thấp, lực kéo sẽ ở mức cao. Điều này giúp xe dễ dàng vượt qua các chướng ngại vật trên đường hoặc có thể dễ dàng tăng tốc khi cần thiết.
Bật sưởi kính lái và tập trung quan sát
Khi trời sương mù nhiệt độ ngoài trời thường lạnh hơn nhiệt độ trong xe. Sự chênh lệch này sẽ khiến kính lái bị mờ. Do đó chủ xe nên bật sưởi kính lái.
Do tầm nhìn hạn chế nên người lái càng không được lơ là chủ quan. Thay vào đó cần tập trung quan sát, nhất là quan sát mặt đường, xem mặt đường có ổ gà, lầy lội, trơn trượt hay không để điều chỉnh tốc độ phù hợp.