Những ngày trước, trong và sau Tết là thời điểm người dân có nhu cầu đi lại, mua sắm, tham quan rất đông. Đặc biệt là những ngày đầu năm mới nhiều người thường có xu hướng đi đến các khu du lịch tâm linh (đền, chùa) để cầu may mắn cho cả năm.
Xuất phát từ xu hướng này mà trong dịp Tết nhu cầu gửi giữ xe là rất lớn, do vậy không ít người đã tự ý lập các bãi giữ xe tự phát để trông coi thu tiền. Vậy những hành vi này có vi phạm pháp luật hay không và sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết khoản 5, Điều 3 Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT quy định bãi đỗ xe là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ dùng để đỗ phương tiện giao thông đường bộ.
Cạnh đó, tại điểm đ, khoản 1, Điều 3 Nghị định 39/2007 cũng nêu rõ cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau thì không phải đăng ký kinh doanh: Đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định.
Tuy nhiên, việc vận hành, quản lý bãi giữ xe phải đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy, nổ; niêm yết công khai nội quy, giá các dịch vụ tại bãi đỗ xe; Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền...
Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh bãi đỗ xe với quy mô lớn thì phải đăng ký và thông báo tới Sở GTVT tại địa phương để được cấp phép.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, việc lập các điểm trông giữ xe quy mô nhỏ trong dịp Tết thì không cần phải đăng ký kinh doanh nhưng cần đảm bảo an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy... và phải thông báo tới cơ quan thẩm quyền tại địa phương.
Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 12 Nghị định 100/2019 (sửa đổi tại Nghị định 123/2021). Tuỳ thuộc vào diện tích chiếm dụng lòng đường, hè phố để làm nơi trông giữ xe mà sẽ có mức xử phạt khác nhau.
Cụ thể cá nhân chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố làm nơi trông giữ ô tô, xe máy dưới 5m2, mức phạt sẽ là từ 2-3 triệu đồng; chiếm dụng từ 5m2 đến dưới 10m2 làm nơi trông, giữ xe, mức phạt sẽ từ 4-6 triệu đồng; cao nhất là khi chiếm dụng từ 20m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe, mức phạt sẽ từ 10-15 triệu đồng.
Đối với trường hợp thực hiện hành vi thành lập bến xe, bãi giữ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải đồng ý theo quy định thì phạt tiền từ 15 -20 triệu đồng đối với cá nhân, từ 30-40 triệu đồng đối với tổ chức.