Tự ý tháo dây đai an toàn của hàng ghế sau ô tô có thể bị phạt lên đến 16 triệu đồng

(PLO)- Theo luật sư tư vấn, tháo dây đai an toàn của hàng ghế phía sau ô tô là sai quy định và có thể bị xử phạt hành chính theo luật hiện hành. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây trên mạng xã hội về ô tô truyền tay nhau hình ảnh một chủ xe đã cố tình tháo dây đai an toàn của hàng ghế phía sau khiến nhiều người quan tâm.

Một trong những vấn đề được nhiều thành viên thắc mắc, liệu rằng chủ xe tháo dây đai an toàn đối với hàng ghế phía sau của ô tô có đúng quy định hiện hành?

Quy định về dây đai an toàn trên ô tô

Trao đổi với PLO, Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM phân tích về quy định hiện hành: Trước hết, theo mục 2.16 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô số ký hiệu: QCVN 09:2015/BGTVT của Bộ GTVT có hướng dẫn về dây đai an toàn như sau:

Một, ghế lái của tất cả các loại xe phải được trang bị dây đai an toàn loại ba điểm trở lên.

Hai, ghế khách phía ngoài cùng thuộc hàng ghế đầu tiên, cùng với dãy ghế người lái (trừ xe ô tô khách thành phố) phải được trang bị dây đai an toàn loại ba điểm trở lên. Các ghế nằm giữa ghế lái và ghế ngoài cùng của hàng ghế này phải được trang bị dây đai an toàn tối thiểu loại hai điểm.

Ba, ghế khách không thuộc hàng ghế đầu tiên cùng với hàng ghế người lái xe của các xe (trừ xe ô tô khách thành phố), giường nằm phải được trang bị dây đai an toàn tối thiểu loại hai điểm.

Bốn, đai an toàn phải được lắp đặt phù hợp tại từng vị trí ngồi hoặc nằm, đảm bảo hoạt động tốt, có độ tin cậy cao và giảm thiểu rủi ro gây thương tích cho người sử dụng khi xảy ra tai nạn. Các dây đai an toàn không được có kết cấu dễ gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Năm, các bộ phận dây đai phải đáp ứng được các yêu cầu sau đây: Các bộ phận cứng trong dây đai an toàn như khóa, bộ phận điều chỉnh, không được có cạnh sắc gây ra mài mòn hoặc đứt dây đai do cọ xát.

Khóa phải được thiết kế sao cho loại trừ được các khả năng sử dụng không đúng như không thể đóng ở trạng thái nửa chừng. Cách mở khóa phải dứt khoát.

Bộ phận điều chỉnh đai phải tự động điều chỉnh để dây đai ôm vừa khít với người sử dụng hoặc nếu dùng bộ phận điều chỉnh bằng tay thì người sử dụng phải dễ dàng điều chỉnh khi đã ngồi vào ghế.

Dây đai không bị xoắn ngay cả khi bị kéo căng và phải có khả năng hấp thụ và phân tán năng lượng. Chiều rộng dây đai không được nhỏ hơn 46 mm.

Các điểm neo giữ đai phải được lắp đặt chắc chắn, phù hợp với loại đai an toàn và vị trí sử dụng.

Một chủ xe đã cố tình tháo dây đai an toàn trên ô tô.
Một chủ xe đã cố tình tháo dây đai an toàn trên ô tô. Ảnh: MXH

"Ngoài ra, còn phải có các hướng dẫn sử dụng dây đai để đảm bảo an toàn cho người sử dụng trong sách hướng dẫn sử dụng kèm theo xe"- luật sư Mạch phân tích.

Tháo dây đai an toàn có bị xử phạt?

Theo luật sư Võ Đan Mạch, đối với hành vi tự ý tháo dây đai an toàn của xe ô tô, tại khoản 2 Điều 55 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đặc biệt, đối với chủ sở hữu phương tiện thực hiện kinh doanh dịch vụ vận tải, theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 10/2020, việc sử dụng xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải phải đáp ứng các điều kiện tham gia giao thông theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 53, khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 55 của Luật giao thông đường bộ; phải có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm (trừ xe buýt nội tỉnh) và có hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông và thoát hiểm khi xảy ra sự cố trên xe.

"Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, phương tiện tham gia giao thông phải đáp ứng các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Việc tự ý tháo dây đai an toàn là hành vi vi phạm quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô"- luật sư Mạch cho hay.

Cũng theo vị luật sư này, về chế tài xử lý, căn cứ theo điểm a khoản 9 điều 30 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi điểm i khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021), chủ phương tiện có hành vi tháo gỡ các dây đai an toàn trên xe có thể bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô có hành vi vi phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm