Hy vọng đây sẽ là công cụ hữu hiệu giúp các đô thị lớn sớm lập lại trật tự giao thông vốn còn hỗn loạn, xô bồ.
Về nguyên tắc, vi phạm giao thông dù ở đô thị hay nông thôn cũng đều ảnh hưởng đến trật tự công và phải được chế tài một cách công bằng, bình đẳng.
Thế nhưng một bó rau ở nông thôn lại rẻ hơn ở thành thị, người dân ở nông thôn bỏ ra 100.000 đồng đóng phạt đã thấy xót. Ngược lại ở thành phố, một, hai trăm ngàn chưa phải là to tát, người ta có thể vô tư nộp phạt rồi sau đó vô tư đi sai luật vì mức phạt không ảnh hưởng mấy đến túi tiền của họ. Đó là chưa nói ở các thành phố lớn, dân cư đông đúc, lưu lượng giao thông nhiều, điều kiện hạ tầng giao thông lại chưa đáp ứng nên chỉ cần một vi phạm nhỏ cũng có thể gây ùn tắc, làm mất trật tự giao thông chứ không như ở nông thôn.
Chính vì vậy, quy định mức phạt ở nội đô các đô thị đặc biệt ngoài tính hợp lý còn có tác dụng “đánh” trực tiếp vào túi tiền của người vi phạm và từ chỗ xót tiền, họ sẽ ghi nhớ để lần sau không dám chạy ẩu, tái phạm. Nói cách khác, mức phạt cao sẽ đủ sức gây ép-phê, giúp người dân từng bước thay đổi thói quen, hành vi ẩu tả, xem thường pháp luật. Đó cũng là tiền đề cho việc hình thành văn hóa giao thông, nói rộng hơn là văn minh đô thị.
Tuy nhiên, kỳ vọng nói trên mới chỉ căn cứ vào phía người dân - những người chấp hành pháp luật. Phía còn lại, lực lượng CSGT - những người thực thi pháp luật cũng phải có những chuyển biến tích cực. Đó là tác phong, thái độ làm việc phải gương mẫu, là cách ứng xử nhẹ nhàng, lịch sự với người vi phạm, là thái độ xử lý công bằng, nghiêm minh. Đặc biệt, CSGT phải kiên quyết nói không với chuyện nhũng nhiễu, nhận tiền hối lộ. Bởi lẽ khi mức phạt cao, người vi phạm rất dễ chấp nhận chuyện “cưa đôi” để khỏi đóng phạt.
“Đánh” mạnh vào túi tiền có thể thay đổi hành vi của người dân nhưng CSGT cũng phải biết miễn nhiễm với tiêu cực. Nếu không, lần áp dụng nghị định mới này khó hy vọng có được kỳ tích như chuyện mũ bảo hiểm dạo nào.
THÁI BÌNH