Quy định mới về xử phạt giao thông: Chửi cảnh sát - phạt nặng

Theo Nghị định 146/2007 cũ, các hành vi chống đối người thi hành công vụ bị phạt tiền được xác định là những hành động cụ thể như cản trở, hoặc đưa tiền và lợi ích vật chất cho người thi hành công vụ. Tuy nhiên, với Nghị định 34 ngày 2-4-2010, không chỉ các hành động trên mà ngay cả đến những lời nói, lời xúi giục, lời chỉ dẫn người khác trốn tránh hoặc không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng cũng sẽ bị phạt tiền.

Không ngậm ống thổi: Phạt đến 3 triệu đồng

Vẫn rối việc xác định độ tuổi

Theo nghị định mới, trẻ em trên sáu tuổi khi ngồi trên xe máy, xe đạp điện mà không đội mũ bảo hiểm hoặc đội nhưng không cài quai thì người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng. Tuy nhiên, làm thế nào để xác định được độ tuổi của trẻ em để xử phạt lại là vấn đề gây tranh cãi. Trước đó, khi thẩm định, Bộ Tư pháp đã đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung cách thức xác định độ tuổi của trẻ em nhưng ban soạn thảo đã không bổ sung với lý do là việc phân biệt cũng như căn cứ xác định độ tuổi thuộc thẩm quyền của lực lượng công an.

Quy định mới về xử phạt lần này đã bổ sung các chế tài xử phạt đối với những hành vi mới được bổ sung trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-7-2009). Theo đó, đối với hành vi uống rượu bia, nếu như trước đây lái xe ôtô được phép uống một tửu lượng nhất định thì nay hành vi này bị cấm tiệt. Chỉ cần trong máu hoặc hơi thở của lái xe có nồng độ cồn là sẽ bị phạt 600.000-800.000 đồng; nếu uống vượt mức 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng. Lái xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng. Tuy nhiên, quy định mới lại không đề cập đến việc người không chấp hành đo nồng độ cồn sẽ bị xử phạt bổ sung, dẫn đến nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại gia tăng tình trạng chống đối người thi hành công vụ.

Anh Nguyễn Văn Nam, lái xe khách tuyến Bắc-Nam, thắc mắc một lái xe uống quá chén, nếu chấp nhận để lực lượng chức năng đo nồng độ cồn có thể bị phạt đến 6 triệu đồng nhưng nếu không cho đo thì chỉ bị phạt 2-3 triệu đồng. “Quy định như thế thì chẳng lái xe nào lại dại dột đi ngậm ống thổi để rồi lại phải chịu mức phạt cao. Hơn nữa, đo nồng độ cồn phải đo ngay thì mới chính xác, chứ để lái xe chống đối lâu bay hết mùi rượu, đến khi kiểm tra thì tỉ lệ vi phạm đã giảm đi nhiều, mức phạt cũng chẳng còn đáng bao nhiêu” - anh Nam nói.

Quy định mới về xử phạt giao thông: Chửi cảnh sát - phạt nặng ảnh 1

Phạt cả người dẫn xe né trạm

Nghị định cũ không quy định mức phạt tiền đối với các hành vi như lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự lực lượng chức năng, hoặc xúi giục người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm soát. Nhưng theo nghị định mới, những người vi phạm các hành vi trên sẽ bị xử phạt ở mức 2-3 triệu đồng.

Theo một thành viên ban soạn thảo, quy định trên nhằm ngăn chặn tình trạng người điều khiển giao thông văng tục, nói bậy, chửi rủa, chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Việc xử phạt trên sẽ có tác dụng răn đe, hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng cần có hướng dẫn nhằm xác định thế nào là lời nói lăng mạ, lời nói xúc phạm dẫn đến bị xử phạt.

Ngoài ra, nghị định mới cũng bổ sung quy định phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho người điều khiển phương tiện trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ. Lý giải về quy định trên, thành viên ban soạn thảo cho biết thời gian qua tại nhiều tuyến đường, địa phương xảy ra tình trạng chỉ dẫn trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Đơn cử như tại Đồng Nai là tình trạng “cò mồi” chỉ dẫn xe quá tải né trạm cân và lực lượng CSGT; hay như trên nhiều tuyến đường lái xe thường ra ám hiệu chỉ dẫn lái xe trốn tránh qua các khu vực bị bắn tốc độ. Do đó, quy định trên sẽ ngăn chặn và hạn chế được vi phạm, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Bảng so sánh một số mức phạt cũ và mới

Quy định mới về xử phạt giao thông: Chửi cảnh sát - phạt nặng ảnh 2

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm