Tướng Đồng Sỹ Nguyên từng từ chối làm chế độ chất độc da cam

“Vị tướng ít nói nhưng vô cùng sâu sắc”, đó là cảm nhận của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh) về tướng Đồng Sỹ Nguyên, người được ông và đồng đội coi như cha, như chú, như anh ruột của mình.

Lòng thương lính

Năm 1961, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn lúc đó 17 tuổi đã tòng quân lên đường vào Trường Sơn và ở đó đến hết cuộc chiến. Cảm nhận về vị tư lệnh đường Trường Sơn huyền thoại, người thủ trưởng của mình, ông nói: “Những ai gần ông, làm việc với ông, chứng kiến tư cách vị tư lệnh bằng mưu lược và trí tuệ thiên bẩm của mình vượt qua những khó khăn, thử thách vô bờ bến ở Trường Sơn càng thấy được vẻ đẹp của người chiến sĩ ta nơi chiến trường”.

Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, tướng Đồng Sỹ Nguyên là người luôn quan tâm kể cả vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. “Chiến tranh ác liệt như thế, Trường Sơn có các binh chủng bộ binh để đánh địch, giữ gìn khu vực phòng thủ, có binh chủng phòng không để bắn máy bay, binh chủng vận tải là đơn vị lái xe, binh chủng công binh để mở đường… còn có một binh chủng nữa là binh chủng văn nghệ sĩ. Lúc bấy giờ cả chiến trường không có đoàn văn công nào nhưng vẫn có các lều thơ cho nghệ sĩ sáng tác” - ông kể.

Trưởng thành từ một người lính lái xe, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn cảm nhận được sự quan tâm của tư lệnh Trường Sơn đối với chiến sĩ ngồi sau vô lăng, đầu tiên là bảo vệ tính mạng cho chiến sĩ.

“Chiến sĩ lái xe lúc bấy giờ có thể chạy suốt đêm nên ông rất quan tâm đến chế độ ăn uống, túi băng bó thương binh hay thuốc tăng lực chống buồn ngủ. Người lái xe có chế độ ăn cao nhất Trường Sơn, chỉ sau phi công. Thứ hai là quan tâm trang bị kỹ thuật cho xe. Tướng Nguyên nghĩ ra nhiều cách. Ví dụ như không dùng đèn pha, dùng đèn rùa - tức là đèn tối mà địch không nhìn thấy, không phát hiện được để địch khỏi bắn. Tiếp đó lắp trên cabin một lớp nứa dày cả gang tay để chống bom bi, hạn chế mức sát thương đến tài xế” - Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn kể.

Có thời điểm địch đánh rất ác liệt, thả chất độc hóa học làm trơ trụi cây, rồi máy bay đánh theo đội hình không cho ta đưa hàng về phía trước, có khi xe phía trước cháy ta không biết phải làm sao. Lúc đó tướng Đồng Sỹ Nguyên là người nghĩ ra cách mở đường kín.

“Ông nói chúng ta phải ngụy trang toàn tuyến. Chúng tôi băn khoăn không biết ngụy trang như thế nào, vì nếu chặt cành lá thì chỉ khoảng hai tiếng là héo, mà trời nắng chang chang làm thế nào ngụy trang được. Vậy mà ông Nguyên cho mở đường kín. Đường chính ta vẫn đi và giặc vẫn cho đánh vào đường đó, còn số đông đi vào đường kín. Ông dùng chiến thuật đi đội hình tập trung để bảo vệ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau và chỉ huy được” - Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn kể lại.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn và bức ảnh cuối cùng chụp với người thủ trưởng, tư lệnh của đường Trường Sơn huyền thoại.

Ông đã không chờ được ngày kỷ niệm…

Nhìn lại hành trình bên cạnh người thủ trưởng mình tôn kính và thần tượng, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn cho hay tính đến nay ông đã có hơn 50 năm gặp và làm việc với tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Nhớ về tướng Đồng Sỹ Nguyên, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn kể lại lần vận động ông làm chế độ chất độc da cam. “Ông bảo đã có chế độ và sự chăm sóc của Nhà nước nên không cần làm thêm chế độ nữa nhưng tôi nói: “Thủ trưởng phải làm, không phải vì chế độ mà để chứng minh rằng không chỉ lính Trường Sơn mới nhiễm chất độc da cam mà tư lệnh của đường Trường Sơn cũng vậy””.

Dù có kết quả xét nghiệm chứng minh mình nhiễm chất độc da cam, tuy nhiên tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn không làm hồ sơ công nhận. sau này gia đình phải thay mặt ông làm hồ sơ chế độ chất độc da cam cho tư lệnh đường Trường Sơn.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn ngậm ngùi, chỉ cách đây hơn 20 ngày, đạo diễn bộ phim tài liệu về Trường Sơn có đề nghị ông bố trí để gặp tướng Đồng Sỹ Nguyên để ghi hình, không ngờ đó cũng là lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng.

“Ngày 19-5-2019 là lễ kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn. Chúng tôi cũng đang ráo riết chuẩn bị cho sự kiện này nhưng người tư lệnh của đường Trường Sơn, người sống chết với chúng tôi trên cung đường đó không chờ được ngày kỷ niệm...” - Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn ngậm ngùi.

Ưu đãi đặc biệt nhà thơ Phạm Tiến Duật

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đặc biệt quan tâm đến văn nghệ sĩ. Nhà thơ chiến trường tiêu biểu của Trường Sơn là nhà thơ Phạm Tiến Duật, tính ông Duật nhiều khi cũng thiếu kỷ luật, đi không báo cáo, ông vẫn nhẹ nhàng nhắc nhở. Biết Phạm Tiến Duật nghiện thuốc, ông chỉ đạo hậu cần mỗi tháng cấp cho Phạm Tiến Duật một tút thuốc lá, ba gói chè. Chính sự quan tâm như thế đã tạo nên Phạm Tiến Duật và nhiều văn nghệ sĩ của Trường Sơn.

Đại tá - TS VŨ TANG BỒNGnguyên cán bộ Viện Lịch sử quân sự Việt Nam 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới