Tượng lính canh buộc trả về Đại Nam, ông Dũng 'lò vôi' nói gì?

Những ngày qua, hình ảnh một số tượng binh lính thời phong kiến được chuyển từ Bình Dương về Đà Lạt trên những xe tải lớn được đăng tải trên mạng khiến dư luận xôn xao. Nhiều người hoài nghi tượng giống như ở Tử Cấm Thành của Trung Quốc và không hiểu sẽ được chủ đầu tư mua để làm gì. 

Ông Dũng cho rằng những tượng lính này được đúc bằng bê tông, hoa văn trên tấm khiên phác họa từ hoa văn trống đồng của Việt Nam. Ảnh: LÊ ÁNH

Trả lời trên báo Phụ Nữ TP.HCM, Giáo sư sử học Lê Văn Lan khẳng định: “Những bức tượng được dư luận quan tâm trong những ngày qua không có tính Việt Nam một chút nào. Ở bất cứ lát cắt thời gian nào, tại Việt Nam cũng không tồn tại những người lính, chiến binh như thế này. Hoạ tiết chim Lạc được ráp vào một cách rất ngô nghê, cũng không phải là nguyên bản trên trống đồng của Văn hoá Đông Sơn thời Hùng Vương...”.

Đại diện Công ty CP Tập đoàn Liên Minh (Lâm Đồng) cho biết 230 tượng lính này được mua từ khu du lịch Đại Nam. 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng sau đó đã kiểm tra và yêu cầu phía công ty này trả lại cho khu du lịch Đại Nam.

Vậy, số phận của những bức tượng này sẽ được giải quyết ra sao? Đại Nam có chịu nhận lại những tượng trên?

Ngày 2-9, trao đổi vớiPLO về những câu hỏi này, ông Huỳnh Uy Dũng (thường được gọi là Dũng 'lò vôi), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, nói: “Trả thì tôi nhận thôi, việc này không quan trọng lắm. Nhận về tôi cho anh em đập bỏ lấy sắt bán phế liệu”.

Số tượng lính đang để trong bãi phế liệu của khu du lịch Đại Nam. Ảnh: H.U.D

Ông Dũng nói thêm: "Trả lại thì tôi nhận. Nhưng không thể nói những tượng lính này nghi là tượng lính Trung Quốc được. Trống đồng là biểu tượng thiêng liêng, thấy mặt trống đồng là biết là dân tộc Việt Nam. Toàn bộ tượng lính này đều do tôi cho đúc, lấy ý tưởng từ một người lính giữ thành”.

Ông Dũng cho biết vào năm 2007, khi đang xây dựng khu du lịch Đại Nam, ông có ý tưởng đúc các tượng lính canh để trên tường thành, với ý nghĩa là người lính bảo vệ trường thành.

Thời điểm này, ông Dũng cho đúc khoảng 240 tượng lính với ý tưởng một người lính giữ thành với đầy đủ áo giáp, nón mũ và khiên chống tên.

Theo ông Dũng, những người lính canh giữ thành đều phải đối mặt với cung tên nên cần phải có áo giáp, nón mũ và đặc biệt là khiên để chống tên.

“Hình tượng người lính mặc áo giáp thì ở đâu cũng giống nhau. Tuy nhiên, ở mặt tấm khiên đều là hoa văn từ mặt trống đồng, biểu tượng của dân tộc Việt Nam”, ông Dũng nói.

Ông Dũng 'lò vôi' cho rằng hoa văn trên tấm khiên là hoa văn từ mặt trống đồng của Việt Nam. Ảnh: H.U.D


“Ở Đại Nam lâu nay đều sử dụng, lưu giữ những gì thuộc về bản sắc của dân tộc Việt Nam. Những gì được cho là lai tạp tôi đều không dùng”, ông Dũng nói.

Sau một thời gian khu du lịch Đại Nam đi vào hoạt động, nơi đặt tượng bị thấm nước. Sau đó, nơi này cũng được xây dựng khách sạn Đại Nam nên ông Dũng cho đưa toàn bộ số tượng lính để vào bãi phế liệu.

Ông Dũng cho biết thời gian đầu để ngoài bãi phế liệu, một số người quen xin vài tượng lính về chưng cho đẹp. Còn lại, ông Dũng cũng đã có ý định đập toàn bộ số tượng này để lấy sắt bán phế liệu.

Tuy nhiên, khi phía công ty tại Lâm Đồng xin mua thì ông Dũng đã cho bán thanh lý.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới