Lễ hội Chọi trâu có từ thế kỷ thứ II TCN
Chỉ còn ít ngày nữa là đến lễ hội chọi trâu truyền thống của xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc). Người dân nơi đây luôn nhắc nhau bằng những câu thơ:
Dù ai đi đâu về đâu,
Tháng giêng mười bảy chọi trâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Tháng giêng mười bảy nhớ về chọi trâu.
Hàng năm, cứ đến ngày 16 và 17 tháng giêng sau khi ăn tết Nguyên đán xong, người dân xã Hải Lựu cùng đông đảo du khách thập phương lại đến với lễ hội này như một sự lấy may cho cả năm làm ăn.
Theo các ghi chép trong thư tịch cổ và các văn bản khác ghi lại đời Lê Trung Hưng, lễ hội trọi trâu có từ thế kỷ thứ II TCN, khi đó thừa tướng Lữ Gia là tướng tài của triều đình. Ông đã đóng quân ở Long Động trên đỉnh núi Thét thuộc thôn Dừa cả xã Hải Lựu ngày nay. Trong thời gian này ông đã cùng tướng sĩ chiến đấu chống quân giặc nhà Hán, mỗi khi thắng trận tướng Lữ Gia cho mở Hội đấu ngưu để khích lệ tinh thần tướng sĩ, rồi cho mổ trâu chọi để khao thưởng cho quân và dân làng. Từ đó đã trở thành lễ hội chọi trâu được truyền từ đời này qua đời khác đó là niềm tự hào về tinh thần thượng võ của người dân Hải Lựu. Lễ hội chọi trâu được kéo dài liên tục suốt từ năm 111 TCN đến năm 1947 tạm dừng do phải dốc hết sức người sức của vào công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đến năm 2002 lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu đã được khôi phục cho đến nay.
Còn theo truyền thuyết dân gian để lại từ xa xưa, vào một buổi sáng sớm trời mờ sương, ở đầu làng người dân thấy hai con trâu trắng chọi nhau, không phân thắng bại. Sau đó hai con đều nhảy xuống sông rồi biến mất. Nơi diễn ra 2 con trâu trắng chọi nhau gọi là Bến Ảnh và đặt tên làng là Bạch Ngưu nghĩa là trâu trắng. Bến Ảnh hiện nay vẫn còn di chỉ, tên làng vì kiêng húy của thần nên gọi chệch đi là Bạch Lưu. Bạch Lưu theo nghĩa hán thì chữ lưu biểu thị sự tốt đẹp, lâu bền vì trong chữ lưu có chữ “Ngọc”. Bạch Lưu có nghĩa là viên ngọc lưu ly trắng. Đây có thể xem minh chứng cho làng Bạch Lưu hạ có nguồn gốc lịch sử của lễ hội “chọi trâu”. Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu ngày nay mỗi năm thu hút hàng vạn du khách về với lễ hội.
Cặp sừng là quan trọng nhất
Nhiều ông chủ trâu ở xã Hải Lựu đã phải bỏ công sức lặn lội đi các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Phú Thọ và thậm chí vào cả miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…để có được một ông cầu ưng ý đem về huấn luyện, cống hiến cho lễ hội tại quê nhà.
Ông Hán Văn Quyết bên “ông Cầu” của mình, theo ông việc huấn luyện trâu chọi rất kỳ công.
Ông Hán Văn Quyết người tham gia huấn luyện trâu chọi chia sẻ để có được “ông Cầu” tham gia thi đấu năm nay, từ đầu năm ngoái ông đã phải đi khắp các tỉnh phía Bắc, vào Nghệ An mới mua được con trâu với giá 105 triệu đồng, “không phải con trâu nào cũng đáp ứng được yêu, nên việc tìm được con trâu ưng ý rất khó. Tôi lặn lội nhiều ngày trời mới có thể tìm được con trâu này”, Ông Quyết nói.
Theo ông Quyết, khi tuyển trâu chọi việc đầu tiên phải để ý đến tiêu chuẩn mình dài, to, bốn chân lớn vững chắc, đôi mắt lỳ lợm. Việc lựa chọn trâu chọi không thể bỏ qua cặp sừng, bởi sừng là thứ vũ khí lợi hại và duy nhất của các ông cầu khi giao đấu, Trâu cần có cặp sừng hơi vòng cung, nhọn và độ mở của sừng vừa phải (khoảng từ 59 – 60 cm) để khi giao đấu trâu có thể dùng miếng cáng sừng dễ dàng móc được vào các khóe mắt, khóe tai và hầu của đối thủ.
Việc lựa chọn trâu chọi không thể bỏ qua cặp sừng, bởi sừng là thứ vũ khí lợi hại và duy nhất của các ông cầu khi giao đấu
Chọn trâu đã khó, nhưng việc chăm sóc, huấn luyện trâu theo đấu pháp của mình lại càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Đối với trâu chọi chế độ ăn khác hẳn với trâu thường, trâu chọi phải ăn ngon, ăn sạch và ăn có điều độ. Thức ăn của trâu chọi ngoài cỏ voi, rơm, cây ngô, cây mía còn phải bổ sung thêm mật mía, lúa mầm, thuốc B1 và thậm chí một số chủ còn cho trâu uống cả bia để tăng sự kích thích mỗi khi đưa trâu đi tập luyện ngoài bãi.
Trong quá trình huấn luyện trâu, mỗi ngày hai lần sáng và chiều đều đưa trâu ra các bãi đất để rèn luyện bằng cách cho chiến ngưu húc vào các mỏm, bờ đất cứng rồi đưa đến vườn cây luyện các thế đánh. Để trâu húc đất sẽ phát hiện những đặc tính, khả năng của trâu như thế nào chủ có thể tùy cơ mà rèn luyện theo đối pháp. Các mảng miếng rèn trâu chủ yếu là đòn hổ lao là miếng đánh dập từ xa, đây là đòn thiên về sức mạnh, nhiều ông Cầu đã chết ngay tại chỗ vì miếng đánh này, nhẹ hơn là bị choáng váng mất sức nghiêm trọng. Các đòn đánh dùng sừng móc mắt, móc hầu, móc khóe tai làm cho đối phương khó chịu, thất thế nhanh chóng. Mặt khác, một số ông chủ trâu thống nhất với nhau cho trâu nhìn nhau từ xa để kích thích các ông cầu. Trước khi ra chiến khoảng một tháng, các chủ thường hãm trâu trong tối để tăng độ lỳ lợm, hung hãn cho các ông cầu.
Trước một ngày đấu chính, những ông Cầu sẽ được chủ của mình đưa tới đài tâm linh ngay phía sau sới chọi để quỳ lạy, đây cũng là nét đặc sắc riêng biệt của lễ hội chọi trâu truyền thống của xã Hải Lựu.