‘Xa đám đông điên loạn’

Có lẽ chủ đề nóng nhất trên mặt báo và mạng xã hội trong tuần qua là vụ “vỡ trận” do hàng ngàn người tràn vào Công viên nước Hồ Tây ở Hà Nội trong ngày miễn phí vé vào cửa.

Tiền lệ đáng buồn

Những tấm ảnh lan truyền trên mạng khiến người ta sửng sốt về mức độ “gan dạ” của các ông bố, bà mẹ cắp con nhỏ trèo qua hàng rào sắt cao hơn 2 m vào tắm, những thiếu nữ hở nội y, bị rách cả áo tắm vì cọc nhọn… Đáng lưu ý là tuy phải leo trèo rất khó khăn nhưng gương mặt ai cũng hào hứng, hân hoan giống như họ đang tham gia một cuộc thi truyền hình thực tế vậy. Sau đó từ chia sẻ của nạn nhân trong cuộc mà người ta được biết thêm về những vụ quấy rối tình dục tập thể trong đám đông hỗn độn tại công viên nước ngày hôm ấy.

Có người mau mắn đổ lỗi cho hai chữ “miễn phí” đã kích thích lòng tham của đám đông, tương tự vụ nhà hàng McDonald’s tại Sài Gòn phát thức ăn miễn phí, khu du lịch Đại Nam mở cửa miễn phí trước đó không lâu. Tuy vậy, đây không phải lần đầu những vụ chen lấn, leo trèo xuất hiện trên mặt báo mà cảnh tượng này đã có tiền lệ trong các sự kiện tập trung đông người. Từ hội chọi trâu Đồ Sơn đến lễ hội đền Hùng, dịp lễ tại chùa Bái Đính đều xuất hiện cảnh người dân leo qua hàng rào, thậm chí bắc thang để vượt chướng ngại vật.

Hiệu ứng đám đông

Dù sao thì vụ “vỡ trận” tại Công viên nước Hồ Tây vẫn không khiến người ta nhức nhối và gây tranh cãi bằng những vụ dân chúng hùa nhau đánh hội đồng đến chết các tên trộm chó tại các tỉnh phía Bắc. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không bàn đến việc tự phát thực thi công lý của một bộ phận người dân. Ở đây, điều đáng quan tâm là hàng ngàn người dân có lẽ vì tâm lý bức xúc, dồn nén lâu ngày nên muốn đánh tên trộm một vài cái cho bõ tức chứ không định đánh chết người tập thể. Có thể là sau khi đã tách khỏi đám đông, nhiều người trong số họ sẽ cảm thấy ân hận về hành vi manh động của mình. Phải chăng chính hiệu ứng đám đông đã khiến người ta không thể hành xử sáng suốt?

Vậy thì vì sao chúng ta không còn là chính mình và có những hành vi khác lạ khi đứng lẫn vào những nhóm cả trăm, ngàn người? Theo nghiên cứu của nhà tâm lý người Pháp Gustave Le Bon, tâm lý đám đông biểu hiện qua ký ức và ám thị. Khi đứng lẫn vào trong đám đông, trí tuệ của cá nhân bị hạ thấp đi. Từ đó người ta có khuynh hướng đánh mất sự tự chủ, sáng suốt và tư cách đạo đức. Họ dễ bị cuốn theo những hành vi phá hoại, bạo lực và tàn ác của người khác. Trong sự vô thức tập thể, mỗi người trong số họ cảm thấy phấn khích khi hùa theo đám đông vì nghĩ sẽ chẳng ai bị quy trách nhiệm cho hậu quả mà họ gây ra. Chúng ta hãy nghe một người trong cuộc lý giải: “Đôi khi rất khó để tránh việc hùa theo như vậy, vì nó gần giống như là bản năng. Tôi cảm thấy nếu mình đi ngược lại số đông thì cảm thấy lạc lõng và không an toàn”.

Theo các nhà tâm lý, hiệu ứng đám đông là một hành vi tự nhiên, hoàn toàn có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trong cuộc sống của chúng ta. Điều này giống như một làn sóng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nơi nào. Thế nhưng khi hiệu ứng này có thể giết chết một con người hay làm tổn hại đến đạo đức và chuẩn mực của một xã hội văn minh thì đó không còn là chuyện nhỏ.

BENJAMIN NGÔ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm