Tuyến đường 210 m quy hoạch treo gần 20 năm, dân khổ vì ngập lụt

(PLO)- Tuyến đường chỉ dài 210 m tại quận Sơn Trà (Đà Nẵng) quy hoạch treo gần 20 năm nay khiến cho đời sống các hộ dân khó khăn đủ bề.

“Đường này nghe quy hoạch gần 20 năm rồi mà chỉ thấy quy hoạch treo. Hiện trạng thấp trũng cứ mưa lớn là ngập. Nhà tôi nâng nền ba lần rồi nhưng nước vẫn tràn vào nhà gây hư hỏng đồ đạc”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Thanh Hoa (60 tuổi, ngụ phường Mân Thái, quận Sơn Trà) nói về nỗi vất vả khi ở trong vùng quy hoạch treo dự án Tuyến đường 30 m đoạn từ đường Ngô Quyền đến đường Trần Duy Chiến (tuyến Nguyễn Huy Chương nối dài).

Các hộ dân trong vùng quy hoạch dự án gần 20 năm qua không được sửa chữa nhà cửa. Ảnh: TẤN VIỆT

Nghe mưa lớn là sợ

Chỉ tay vào mép cửa nơi nước tràn vào nhà trong trận ngập lịch sử 14-10-2022, ông Lê Thanh Hoa cảm thán: “Ở đây cứ nghe mưa lớn là sợ. Kiệt hẻm thấp trũng quá nên nước hai bên đường chính tràn xuống, dâng lên rất nhanh. Nhà ai cũng thiệt hại hàng chục triệu đồng trong trận ngập đó”.

Trong căn nhà nhỏ xây dựng từ năm 2000, gia đình ông Hoa gồm ba thế hệ với chín nhân khẩu sinh sống. Mong mỏi lớn nhất của gia đình ông cũng như người dân nơi đây là nhanh chóng được giải tỏa, tái định cư. Nếu không thì hủy quy hoạch, chính quyền đầu tư hạ tầng kỹ thuật thoát nước cho người dân.

Đồng thời là Bí thư chi bộ Khu dân cư, ông Hoa hiểu rõ nỗi vất vả của các hộ dân sống dưới quy hoạch treo. Đa phần nhà dân ở đây là nhà cấp 4, xây dựng đã lâu. Nhà cửa hư hỏng, xuống cấp không được sửa chữa. Một số hộ dân chuyển về đây sống hơn 10 năm vẫn chưa được nhập hộ khẩu.

“Khổ nhất là ngập lụt. Tháng 10 vừa qua cũng ngập nặng, địa phương giao về hai máy bơm để khu dân cư tự vận hành, thay phiên nhau bơm nước cả đêm để cứu tài sản”, ông Hoa kể.

Dù đã nâng nền ba lần, nước vẫn tràn vào nhà ông Hoa mỗi khi mưa lớn. Trong ảnh ông Hoa đang chỉ dấu mực nước tràn vào nhà ông ngày 14-10-2022. Ảnh: TẤN VIỆT

Dự án này đã nhiều lần được người dân phản ánh trong các buổi tiếp xúc cử tri. Mới đây nhất ở buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND TP tại UBND phường Mân Thái, nhiều cử tri tiếp tục kiến nghị TP sớm triển khai dự án để ổn định đời sống người dân.

Ông Nguyễn Bá An, Chủ tịch UBND phường Mân Thái cho hay, đây là dự án rất cấp thiết. Người dân đã kiến nghị nhiều lần, phường cũng gửi kiến nghị lên cấp trên nhiều lần. Hiện đã có thông tin HĐND TP sắp thông qua dự án này để triển khai.

Tách riêng phần giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh dự án

Tìm hiểu của PV, dự án Tuyến đường 30 m đoạn từ Ngô Quyền đến Trần Duy Chiến (tuyến Nguyễn Huy Chương nối dài) là dự án giao thông nhóm B, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án.

Tháng 6-2024, Ban quản lý dự án đã có văn bản trình thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, dự kiến tổng mức đầu tư dự án hơn 343 tỉ đồng, riêng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng hơn 320 tỉ đồng.

Khu dân cư tự vận hành máy bơm nước chống ngập mỗi khi mưa lớn. Ảnh: NDCC

Dự án này sau khi được xây dựng sẽ là đoạn tuyến kết nối thông suốt tuyến đường 30 m từ đường Hoàng Sa đến khu dân cư Thọ Quang, góp phần phân tải lưu lượng giao thông các trục ngang kết nối từ biển vào khu dân cư ven sông Hàn.

Qua đó đảm bảo an toàn giao thông chung, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và du khách, tăng cường mỹ quan đô thị.

Hiện trạng khu vực tuyến đi qua có dân cư đông đúc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được hoàn chỉnh, có nhiều kiệt hẻm nhỏ hẹp, hướng tuyến vòng vèo, tầm nhìn bị hạn chế.

Cơ sở hạ tầng khu vực chưa đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân. Do đó, việc đầu tư xây dựng tuyến đường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến là hết sức cần thiết và phù hợp với định hướng quy hoạch.

Thông tin từ UBND quận Sơn Trà cho hay, tuyến đường dài 210 m có tổng số 163 hồ sơ giải tỏa, gồm 145 hồ sơ giải tỏa đi hẳn và 18 hồ sơ giải tỏa một phần. Tổng lô đất tái định cư dự kiến là 208 lô.

Trong đó, đất tái định cư trên địa bàn quận, huyện khác có giá trị nộp tiền chuyển quyền sử dụng đất thấp hơn địa bàn quận Sơn Trà là 101 lô. 107 lô đất tái định cư còn lại thuộc địa bàn quận Sơn Trà. Ngoài ra còn có chín căn hộ tái định cư.

Các trường hợp không được bố trí tái định cư (không được bồi thường đất ở) là 36 hồ sơ, quận sẽ báo cáo UBND TP để có chính sách phù hợp, dự kiến bố trí căn hộ tái định cư.

Trong quá trình triển khai dự án, để đảm bảo quỹ đất bố trí tái định cư cho các hộ giải tỏa, UBND quận Sơn Trà sẽ đề nghị UBND TP có ý kiến chỉ đạo Sở TN&MT, UBND các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang tạo điều kiện chuyển giao quỹ đất tái định cư còn trống trên địa bàn các quận, huyện theo phương án tái định cư được UBND quận Sơn Trà phê duyệt.

Người dân vùng quy hoạch treo vất vả với ngập lụt mỗi khi mưa lớn. Ảnh: NDCC

Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho hay, UBND TP đã có tờ trình gửi HĐND TP về danh mục các dự án đầu tư công nhóm B lĩnh vực giao thông thực hiện việc tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công.

Điều này căn cứ theo khoản 1 điều 9 Nghị quyết 136/2024 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Theo đó, dự án Tuyến đường 30 m đoạn từ Ngô Quyền đến Trần Duy Chiến là một trong 14 dự án được đề xuất tách riêng phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Theo tính toán của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, sau khi thực hiện xong dự án sẽ có được diện tích đất phân lô khoảng 6.574 m2 (61 lô đất) và một khu đất thương mại diện tích 546 m2. Tổng số tiền thu từ khai thác quỹ đất tạm tính khoảng hơn 332 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới