Tuyên giáo góp phần khẳng định uy tín, vị thế đất nước

Ngày 15-7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Công tác tuyên giáo của Đảng - 90 năm chặng đường vẻ vang: Thành tựu và tầm nhìn”.

Góp phần vượt khủng hoảng, giữ vững ổn định chính trị

Trong phát biểu đề dẫn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông nhấn mạnh: Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá lại chặng đường 90 năm qua của công tác tuyên giáo và xác lập tầm nhìn, sứ mệnh cho giai đoạn tới.

Theo ông Phuông, công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, giúp nhân dân ta vượt qua cơn “chấn động chính trị” toàn cầu trong những năm 1989-1991, khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ.

Tiếp đó là cuộc khủng hoảng tài chính khu vực những năm 1997-1998; cuộc suy thoái kinh tế thế giới những năm 2008-2009 và hiện nay là đại dịch COVID-19 toàn cầu.

Theo ông Phuông, thời gian qua, công tác tuyên giáo tiếp tục góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cùng đó là góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của đất nước trong khu vực và trên thế giới.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tổng kết tại hội thảo. Ảnh: plo.vn

Luôn thể hiện vai trò đi trước, mở đường

Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), khẳng định tư tưởng, lý luận là linh hồn sống của công tác tuyên giáo; luôn thể hiện vai trò đi trước, mở đường.

Tuy nhiên, ông Hà Đăng cũng thẳng thắn chỉ ra bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác lý luận của Đảng vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm như: Trong nghiên cứu lý luận, nhiều nhà nghiên cứu thường nghiêng về thuyết minh cho những luận điểm chính trị có sẵn, ít phê phán, tìm tòi, khám phá do sợ “phạm quy”. “Trong công tác tổng kết thực tiễn cũng vậy, những kết luận rút ra dường như chỉ ở mức chứng minh, làm sáng tỏ thêm cho những luận điểm chính trị đã có” - ông Hà Đăng nói.

PGS-TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định: 90 năm qua, đóng góp lớn nhất của ngành tuyên giáo, công tác tuyên giáo với gần 100 triệu người dân Việt Nam chính là nhận thức chính trị và lòng tin đối với Đảng.

Tăng cường đấu tranh, tạo sự đồng thuận

Trong thời gian tới, công tác tuyên giáo phải tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.... Từ đó mới tạo ra hướng đích cuối cùng là sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân…

Ông VÕ VĂN THƯỞNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương 

Nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu, độc

Tại hội thảo, ông Lê Văn Minh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho hay: Trước các thông tin, luận điệu xấu, độc…, công tác tuyên giáo cần có cách thức đấu tranh, phản bác đa dạng, phù hợp với đối tượng, hợp lý về liều lượng...

“Điều này được đúc kết từ sự thành công tại TP.HCM. Công tác đấu tranh, phản bác đã giúp nâng cao nhận thức, sức tự đề kháng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở TP trước các thông tin xấu, độc” - ông Minh nói.

Ông Minh cũng cho rằng việc cung cấp thông tin cho báo chí phải nhanh chóng, kịp thời, chính xác, không để tình trạng né phóng viên báo chí trên địa bàn TP.HCM. Điều này khi được thực hiện tốt sẽ giúp người dân hiểu được bản chất sự việc, tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, kích động, tấn công về mặt nhận thức, tư tưởng và văn hóa.

Cần đội ngũ làm báo trong sạch

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng đã có một thời gian rất dài chúng ta quan niệm rằng cứ có nhiều cơ quan báo chí là thể hiện có tự do báo chí. “Chúng tôi đi kiểm tra thực tế ở một số cơ quan báo chí thì chỉ có việc trả lương cho 3-4 ông lãnh đạo, còn đội ngũ viết bài là sử dụng cộng tác viên. Khi sử dụng cộng tác viên dẫn đến chuyện họ chỉ ngồi tại nhà, tìm những bài, những chủ đề có thể câu view trên mạng rồi xào xáo lại” - ông Bảo cho hay.

Đối với nguồn đào tạo phóng viên ở các cơ quan báo chí, theo ông Bảo, hiện nay gần như không được quan tâm đúng mức. “Khi chúng tôi đi kiểm tra, có những người vừa học ra trường ở lĩnh vực khác, về làm báo còn được đánh giá cao nhưng thời gian sau là có những biểu hiện liên quan lập trường, đạo đức, đến chuyện đi đánh đấm, soi mói doanh nghiệp” - ông Bảo dẫn chứng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới