Ngày 15-7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Công tác Tuyên giáo của Đảng - 90 năm chặng đường vẻ vang: Thành tựu và Tầm nhìn.
Ông Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VT
Tư tưởng, lý luận là linh hồn của công tác tuyên giáo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông đã nêu ra bốn nội dung chủ yếu của hội thảo. Trong đó có việc đề xuất các giải pháp, kiến nghị thiết thực, khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả để ngành Tuyên giáo tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trong giai đoạn mới.
Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Hà Đăng - nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) khẳng định, công tác tư tưởng, lý luận là linh hồn sống của công tác tuyên giáo; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên ông cũng thẳng thắn chỉ ra, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác lý luận của Đảng vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Những hạn chế, khuyết điểm ấy đã được Đảng thẳng thắn chỉ rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng cũng như trong các nghị quyết chuyên đề của Trung ương các khoá.
Nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương cũng chỉ ra, trên thực tế, vẫn còn có những biểu hiện như: Trong nghiên cứu lý luận, nhiều nhà nghiên cứu thường nghiêng về thuyết minh, minh chứng cho những luận điểm chính trị có sẵn, ít phê phán, tìm tòi, khám phá do sợ “phạm quy”.
“Trong công tác tổng kết thực tiễn cũng vậy, những kết luận rút ra dường như chỉ ở mức chứng minh, làm sáng tỏ thêm cho những luận điểm chính trị đã có” - ông Đăng nói.
Ông Hà Đăng cũng nêu ý kiến về việc sắp xếp lại tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Theo đó, cần chủ ý bài học “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, tức trọng chất hơn lượng, được coi là lẽ phải nhưng đó lại là bài toán không dễ có lời giải, nếu thiếu bản lĩnh và không có quyết tâm cao.
Cần tạo sự đồng thuận trong Nhân dân
Tại hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, trong suốt 90 năm qua, ở mỗi thời kỳ, công tác tuyên giáo luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Trong những đóng góp ấy, điều đọng lại trong gần 100 triệu người dân Việt Nam hiện nay chính là nhận thức chính trị và lòng tin đối với Đảng.
Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã ghi nhận ý kiến trình bày tại các tham luận và khái quát một số vấn đề nổi bật.
Cụ thể, các tham luận đã khẳng định được chặng đường phát triển đầy tự hào, cũng như nhiều đóng góp hết sức quan trọng của Ngành Tuyên giáo đối với tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc.
Trong đó có việc đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; tuyên truyền, cổ động; văn hóa – văn nghệ, báo chí – xuất bản, thông tin đối ngoại, giáo dục khoa học, công nghệ các vấn đề xã hội...
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của hàng trăm chuyên gia, các cơ quan bộ, ban, ngành, địa phương khắp cả nước với hơn 90 bài tham luận. Ảnh: VT
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, trải qua quá trình phát triển, công tác tư tưởng, lý luận ngày càng được đẩy mạnh, từ công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận đến việc tích cực đổi mới về nội dụng và phương pháp học tập, tuyên truyền.
Công tác tư tưởng, lý luận cũng tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ....
Từ đó góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, có ý nghĩa quan trọng, toàn diện đối với công tác xây dựng Đảng.
Trên cơ sở phân tích bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước, cũng như yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, các tham luận đã đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của Ngành Tuyên giáo trong thời gian tới.
Trong đó có việc tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân; Góp phần trực tiếp hơn nữa trong giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc; Chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.