Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa gửi văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu đang ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường sắt.
Vi phạm bảo vệ hành lang ATGT đường sắt
Theo đó, VNR cho hay đầu năm 2018 khu vực phía bắc ga Hà Nội (từ Km0+595 đến Km0+840 tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng) xuất hiện loại hình du lịch khách nước ngoài đi tham quan, quay phim, chụp ảnh trên đường sắt, nhất là khi có đoàn tàu chạy qua. Tại khu vực này cũng xuất hiện các quán cà phê, hàng quán bày bán nước cho khách du lịch trong phạm vi bảo vệ hành lang ATGT đường sắt, gây mất an toàn.
Tình trạng này tạm lắng sau hai năm bùng phát đại dịch COVID-19 nhưng tái phát sau khi dịch được kiềm chế. Trước thực trạng trên, VNR cho biết đã chỉ đạo đơn vị thành viên quản lý đoạn đường sắt có kiến nghị và phối hợp với chính quyền các phường sở ngăn chặn việc vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Đồng thời, Cục Đường sắt Việt Nam cũng có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo, xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, các vi phạm trên vẫn tiếp tục tái diễn, đặc biệt là vào dịp nghỉ lễ 2-9.
Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân khẳng định 100% các hộ dân hiện nay đang kinh doanh ở đoạn đường tàu trên đều vi phạm hành lang ATGT đường sắt.
“Trong tuần này, chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ giấy phép đối với các hộ kinh doanh có vị trí ở mặt hành lang an toàn đường sắt. Hiện quận đang tiến hành công tác hậu kiểm sau cấp đăng ký kinh doanh cho các hộ dân tại khu vực này, sau đó sẽ tiến hành thu hồi” - ông Quân nói.
|
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng cho hay quận đã chỉ đạo UBND các phường sở tại và lực lượng chức năng của quận lập chốt rào chắn ở các lối vào đường tàu. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân, du khách không đến đây “check-in” gây mất trật tự, đặc biệt là mất ATGT ở khu vực này.
Theo ông Quân, hiện UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng đề án du lịch gắn với tuyến đường sắt này. Đề án này nhằm đưa các hoạt động tại điểm đến du lịch này vào khuôn khổ, đảm bảo nhu cầu, nguyên vọng chính đáng của du khách và các hộ kinh doanh, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là ATGT ở đây.
“Quận đang phối hợp với Sở GTVT TP Hà Nội và công ty quản lý đường sắt này để xây dựng mô hình phù hợp nhất, đáp ứng nhu cầu của người dân trên tinh thần tuân thủ pháp luật” - ông Quân thông tin.
Lực lượng chức năng tiến hành dựng hàng rào barie
Ghi nhận của PV vào sáng 15-9, lực lượng chức năng đã dựng hàng rào barie tại lối vào phố đường tàu, đồng thời túc trực để ngăn khách du lịch qua lại nơi đây. Phía bên trong, hàng loạt quán cà phê phải đóng cửa, khung cảnh thưa thớt người khác hẳn so với những ngày trước đây khi có khách du lịch lui tới.
Bà Huệ, chủ một quán cà phê ở đây, cho biết hai năm vừa qua dịch bệnh đã rất vất vả, mọi người mới mở cửa trở lại để đón khách du lịch. Nhưng đến nay, khi UBND TP có quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh, ngừng hoạt động của phố đường tàu khiến ai cũng buồn và lo lắng cho những ngày tháng sắp tới.
“Mọi người ở đây đều là những người lớn tuổi, không công ăn việc làm, chỉ trông chờ vào hàng quán. Thậm chí có người còn vay mượn để sửa sang quán, số nợ vẫn chưa trả hết, vậy mà nay phải đóng cửa” - bà Huệ nói.
Cũng theo bà Huệ, tất cả hộ kinh doanh ở đây đều nắm rất rõ lịch trình, giờ giấc tàu chạy. Mỗi khi chuẩn bị có tàu đi qua, chủ quán hoặc nhân viên đều đề nghị khách dẹp vào hai ven đường, không để nguy hiểm xảy ra.
Làm nghề vẽ tranh dọc theo phố đường tàu đã nhiều năm nay, anh Huế cho biết bản thân anh rất buồn khi phố này phải đóng cửa, vì khu vực này là nơi giúp anh và nhiều hộ kinh doanh nuôi sống gia đình. Do đó, anh Huế mong chính quyền và các cơ quan, ban ngành liên quan có cuộc đối thoại với người dân để cùng bàn bạc đưa ra giải pháp tốt nhất.
“Nếu đóng cửa còn nguy hiểm hơn, vì nhiều du khách sẽ tìm cách lẻn lên đường tàu để tham quan, chụp ảnh. Theo tôi, cần tính toán kỹ lưỡng để vừa đảm bảo an toàn vừa tạo điều kiện cho người dân. Cần thiết có thể bán vé cho khách du lịch khi tới đây tham quan” - anh Huế nói.•
Nên tìm cách để vẫn giữ được sản phẩm du lịch
Trao đổi với PV, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cho rằng quan điểm của chúng ta nhìn về du lịch là luôn nhìn thấy điểm tích cực và tiêu cực. Để du lịch phát triển bền vững thì phải làm thế nào để tăng tính tích cực và giảm tiêu cực.
“Nếu dừng lại, không còn cà phê đường tàu thì đơn giản nhưng như vậy mất đi cơ hội cho người làm du lịch có một sản phẩm du lịch độc đáo, mất cơ hội cho người dân địa phương cải thiện thu nhập” - ông Chính bày tỏ.
Từ đó, ông Chính cho rằng nên chăng tìm cách để vẫn giữ được sản phẩm du lịch này mà vẫn đảm bảo được an toàn cho người dân địa phương, người kinh doanh cà phê, cũng như cho khách du lịch.
Ông Chính đề xuất nghiên cứu một số biện pháp chế tài để quản lý như: Thí điểm giờ nào được mở cửa hoạt động, giờ nào không. Du khách đến đây tham quan phải đảm bảo các điều kiện nào. Các hộ kinh doanh cũng phải có cam kết, bộ quy tắc ứng xử ra sao, nếu vi phạm thì phạt thế nào.