Tuyệt chiêu phát hiện bảo kê xe quá tải

“Hiện nay trên toàn quốc đang tái diễn tình trạng xe quá tải. Nguyên nhân là tháng 2-2017, lực lượng CSGT không còn phối hợp với ngành giao thông theo Kế hoạch 1259/2013 liên bộ Công an và GTVT về kiểm soát tải trọng xe. Ngoài ra, có sự buông lỏng quản lý của địa phương, sự thiếu quyết liệt của thanh tra giao thông...”.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (VN) (ảnh), khẳng định như trên với Pháp Luật TP.HCM.

Cảnh sát giao thông phải vào cuộc

. Phóng viên: Sau khi dừng phối hợp kiểm soát tải trọng xe thì có bao nhiêu trạm ngưng hoạt động, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Văn Huyện: Sau khi dừng phối hợp, một số địa phương chưa kiện toàn được tổ chức và kiểm tra tải trọng xe bằng các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã được cấp. Đến nay có 23/63 địa phương dừng kiểm tra xe quá tải. Trên tuyến quốc lộ 1 chỉ có ba trạm cân là Vĩnh Long, Lạng Sơn, Dầu Giây duy trì hoạt động... Điều này khiến tình trạng xe quá tải tái diễn trên các tuyến quốc lộ và ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, tình trạng cơi nới kích thước, thành, thùng xe chở hàng quá tải cũng tái diễn, hoạt động công khai, đặc biệt trên các tuyến đường địa phương như ở Bắc Ninh, tuyến quốc lộ 18.

. Lý do một số tỉnh đưa ra khi dừng Kế hoạch 1259 là do các trạm cân giữ một lực lượng đông nhưng có lúc cả ngày không phát hiện xe quá tải nào. Vậy biện pháp trước mắt của đơn vị như thế nào để vừa kiểm tra tải trọng xe, vừa giảm được con số không cần thiết?

+ Trạm cân như người bảo vệ, nếu có trạm cân thì nhiều nơi không có xe quá tải, nhưng nếu dừng thì xe quá tải xuất hiện trở lại. Vậy để giải bài toán này, trước mắt Bộ GTVT giao cho Tổng cục Đường bộ VN và các đơn vị liên quan làm việc với Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương tái khởi động Kế hoạch 1259.

Sau khi dừng kế hoạch phối hợp với CSGT, lực lượng thanh tra giao thông phải kiện toàn lại tổ chức nên khó kiểm soát được xe quá tải. Ảnh: VIẾT LONG

Cụ thể, lực lượng thanh tra giao thông, CSGT tiếp tục phối hợp, lập chốt kiểm tra tải trọng xe. Đưa các trạm cân tải trọng xe về lại quốc lộ, mỏ, khu công nghiệp để xử lý các xe quá tải. Trong đó, cho phép các địa phương chủ động các vị trí đặt trạm trên các đoạn quốc lộ có nhiều xe quá tải hoạt động. Có lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các trạm kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh...

Thu điện thoại chống “bảo kê” xe quá tải

. Trong cuộc họp gần đây, tổ công tác Thủ tướng cho rằng hiện còn 10% xe quá tải nhưng con số này rất khó xử lý triệt để. Vậy nguyên nhân vì sao, thưa ông?

+ Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề là 10% xe quá tải này có người “bảo kê” và số còn lại là liều. Tuy nhiên, với mức phạt cao 70-80 triệu đồng/xe quá tải như hiện nay, số lượng xe liều không nhiều. Vì vậy, chúng tôi xác định nếu không dẹp được 10% xe quá tải hiện nay thì nguy cơ bùng phát cao.

Sắp tới lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN, từ cục trưởng đến cục phó, đều phải “xuống đường” để xử lý xe quá tải, đặc biệt tại các điểm nóng về tình trạng này trên tinh thần xử lý triệt để xe quá tải.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn các địa phương cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý các xe quá tải. Nếu lãnh đạo các địa phương cũng “xuống đường” thì tôi nghĩ xe quá tải sẽ giảm mạnh, thậm chí sạch xe quá tải.

. Nhưng một thực tế hiện nay, khi chúng ta có kế hoạch phối hợp với địa phương, các xe quá tải trên đường đều được thông báo?

+ Đúng là có tình trạng khi lực lượng chức năng “xuống đường” thì có một số đối tượng bám theo nhằm thông báo hành trình của đoàn kiểm tra để các xe quá tải né hoặc ngừng hoạt động. Bên cạnh đó còn có tình trạng gọi điện thoại để nhờ can thiệp. Tuy nhiên, sắp tới chúng tôi sẽ làm nghiêm việc này.

Cụ thể, gần đây nhất, đi kiểm tra tải trọng xe, tôi yêu cầu thu toàn bộ điện thoại của những người trong đoàn và đến cuối ngày trả. Việc này giúp ngăn chặn các cuộc gọi thông báo, can thiệp và đặc biệt là biết được các thành viên trong đoàn có “chống lưng” cho xe quá tải. Vì nếu ai “chống lưng” thì sẽ có tin nhắn trong điện thoại, còn nếu trong sạch thì không có gì phải lo lắng...

. Xin cám ơn ông.

Kế sách lâu dài: Đặt trạm cân ở trạm thu phí

Về lâu dài, để xử lý nạn xe quá tải, chúng tôi sẽ sớm ban hành mô hình mẫu trạm kiểm tra tải trọng xe cố định. Theo đó, lắp đặt các trạm cân cố định tại những trạm thu phí trên cả nước. Khi xe tải chạy qua trạm thu phí, các thông số tải trọng, biển số xe được ghi nhận, kiểm tra và nếu xe quá tải hệ thống sẽ báo động và ngăn không cho xe qua trạm.

Sau đó, nhân viên vận hành trạm cân công bố xe đó vi phạm và lực lượng chức năng chốt chặn ở vị trí gần trạm thu phí sẽ xử phạt và buộc hạ tải. Trường hợp không có lực lượng CSGT, nhân viên vận hành trạm cân có quyền thông báo cho tài xế và yêu cầu xe vi phạm quay đầu hạ tải, đồng thời gửi kèm kết quả trên tới lực lượng chức năng để xử phạt nguội xe này.

Theo kế hoạch, trong tháng 4-2017 chúng tôi sẽ bắt đầu thí điểm và đánh giá kết quả, nếu tốt cuối năm nay sẽ triển khai rộng trên cả nước.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ VN đang rà soát 28 vị trí lắp đặt trạm kiểm tra tải trọng xe (theo lộ trình lắp đặt trước năm 2020), trong đó chú trọng 9/28 vị trí đã được đầu tư, lắp đặt thiết bị cân kiểm tra tải trọng để kiểm tra đầu tư, hoàn thiện trong thời gian tới.

Ông NGUYỄN VĂN HUYỆN, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

____________________________________

Hơn 4.000 xe vi phạm tải trọng

Theo Tổng cục Đường bộ VN, trong ba tháng đầu năm 2017, cả nước đã kiểm tra gần 43.000 xe, trong đó phát hiện hơn 4.000 xe vi phạm về tải trọng. Cơ quan chức năng tước hơn 1.000 giấy phép lái xe và thu nộp ngân sách nhà nước 29,5 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm