Kẻ vong ơn bội nghĩa?
Lời chỉ trích trên được đưa ra sau khi vị tỷ phú 87 tuổi Lý Gia Thành, với biệt danh là “siêu nhân”, đã bán tháo tài sản tại Trung Quốc để rút khỏi thị trường này sau khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 24 năm vào năm ngoái và tiếp tục suy yếu vào đầu năm nay. Ông Thành đã mạnh tay đầu tư vào Trung Quốc những năm 1990.
Hành động rút vốn trên của ông Thành cùng với việc bán tài sản trên thị trường Hồng Kông đã khiến thị trường đồn đoán về vị tỷ phú giàu nhất châu Á đã mất niềm tin vào môi trường đầu tư tại Trung Quốc.
Tờ Nhân dân Nhật báo nói rằng thành công của ông Lý Gia Thành là nhờ vào Trung Quốc mở cửa, thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển một thị trường rộng lớn, nhưng cáo buộc ông chỉ là kẻ “ăn cháo, đá bát” khi rời bỏ Trung Quốc lúc này.
“Ông ấy chỉ ở khi có thuận lợi và rời bỏ khi Trung Quốc gặp khó khăn. Điều này là không thể chấp nhận được”, tờ Nhân dân Nhật báo viết trong bài bình luận đăng hôm Chủ Nhật (20-9).
Mặc dù thừa nhận hành động rút vốn của tỷ phú Hồng Kông đã tác động tiêu cực đến lòng tin của nhà đầu tư vào Trung Quốc, tờ báo trên cũng cố giảm nhẹ mối lo ngại trên thị trường bằng cách trấn an: “Nền kinh tế Trung Quốc chiếm hơn 12% nền kinh tế toàn cầu… Liệu một cá nhân rút vốn có làm thay đổi nền tảng của kinh tế Trung Quốc?”
“Chúng ta không nên quá lo lắng, sẽ không có thêm nhà đầu tư nào theo chân ông ấy. Điều mà chúng ta có thể làm lúc này không phải xuống thang để thuyết phục ông ấy ở lại, mà là phát triển đất nước một cách tốt hơn để cho ông ấy thấy sự rút vốn ngày hôm nay sẽ là sự hối hận cho ngày sau”, tờ Nhân dân Nhật báo nhấn mạnh.
Tỷ phú Lý Gia Thành hiện đang sở hữu khối tài sản trị giá 32,9 tỷ USD, theo Bloomberg. Ông cũng là tỷ phú giàu nhất châu Á.
Ông Lý Gia Thành khởi nghiệp với nghề làm hoa nhựa. Tính từ đầu năm đến nay, ông Thành đã liên tục tái cơ cấu hoạt động công ty bằng việc hợp nhất nhiều đơn vị thành viên, một phần trong kế hoạch cải cách nhằm dọn đường bàn giao cho con trai cả Victor, 51 tuổi, để nghỉ hưu.
Trước đó, vào tháng 3 năm nay, ông Thành đã thâu tóm công ty truyền thông O2 từ công ty Telefonica của Tây Ban Nha. Thương vụ chuyển nhượng này trị giá 15,2 tỷ USD.
Truyền thông Trung Quốc "ném đá"
Theo tờ South China Morning Post, vì hành động chuyển vốn ra ngoài thị trường Trung Quốc mà ông Lý Gia Thành liên tục bị truyền thông Trung Quốc tấn công trong những ngày gần đây.
Ông bị chỉ trích là “kẻ ăn cháo đá bát” không chỉ đợi tới khi tờ Nhân dân nhật báo đưa tin, mà từ hôm 13-9, một viện chính sách có liên kết với hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã đăng một bài báo hết sức tranh cãi.
Bài báo đăng trên trang web của Viện Liễu Vọng đã tạo ra làn sóng tranh cãi dữ dội trên khắp truyền thông lục địa.
Với dòng tiêu đề “Đừng để Lý Gia Thành trốn chạy”, bài báo cáo buộc ông Lý “vô ơn” đối với mảnh đất quê hương đã “dìu dắt” ông trong bao năm qua, đồng thời còn chỉ trích ông nhanh chóng tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc khi nền kinh tế đất nước gặp khó khăn.
“Tại thời điểm nhạy cảm này, khi nền kinh tế Trung Quốc đang cơn khủng hoảng, ông ta đã bán tài sản và lan truyền tâm lý bi quan… ông ta đã làm suy sụp tinh thần” bài báo cáo buộc.
Trước đó, vào tháng trước một bài báo đăng trên WeChat đã cáo buộc ông Lý Gia Thành đã “định nghĩa chính xác thuật ngữ “kẻ tư sản xấu xa” bằng cách nắm giữ tài sản cho riêng mình khi đất “được giá”, rồi sau đó bán chúng để “kiếm lời khủng”.
Tuy nhiên, những bình luận này đã bị hãng truyền thông khác phản pháo, cho rằng doanh nhân tìm kiếm lợi nhuận là chuyện bình thường, và những quyết định thương mại của ông Lý không nên xem như một chỉ báo cho triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc.
Hôm 15-9, một bài bình luật đăng trên tờ Thời Báo Chứng Khoán, thuộc Nhân Dân Nhật Báo, đăng bài xã luận có tựa “Lý Gia Thành cứ việc đi nếu muốn - bầu trời cũng chẳng sập” nhận đinh rằng nếu nhà chức trách buộc ông Lý giữ lại tài sản ở lục địa Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp khác sẽ mất niềm tin để làm kinh doanh tại đó.
Mới nhất là tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 20-9 cho đăng bài ý kiến nói rằng tỉ phú Lý “vô ơn” khi được hỗ trợ để làm giàu trước đây và nay tháo chạy. Bài báo cũng đồng thời nói chẳng có gì đáng ngại vì kinh tế Trung Quốc hiện minh bạch và cởi mở.
Theo tờ South China Morning Post, một bài báo của tác giả họ Lou cáo buộc ông Lý Gia Thành hưởng lợi từ các ưu đãi của các quan chức lục địa trong nhiều năm qua, nhưng bài báo lại không chỉ trích chính phủ và các quan chức vì đã bỏ qua thói bao che dung túng và bè phái.