Ông trùm hóa dầu Mukesh Ambani (Ảnh Getty Images)
Theo Forbes, tài sản ròng của Ambani năm 2009 là 32 tỉ USD tăng 54% so với một năm trước đó, ông trùm này đứng thứ bảy trong danh sách những tỉ phú hàng đầu thế giới của tạp chí.
Ở Trung Quốc, Wang Chuanfu, Chủ tịch tập đoàn sản xuất ô tô điện BYD, đứng dầu danh sách tỉ phú đại lục với 5,8 tỉ USD tổng giá trị tài sản. Tài sản của Wang đã tăng hơn 600% từ 880 triệu USD năm 2008.
Indonesia cũng chứng kiến sự gia tăng vượt bậc trong tầng lớp siêu giàu. Tổng giá trị tài sản của 40 người giàu nhất nước này đạt 42 tỉ USD trong năm ngoái, tăng gấp đôi so với mức 21 tỉ USD năm 2008. Trong khi đó, Singapore có 8,5 triệu phú/100 người - tỉ lệ cao nhất thế giới. Nước này trở thành nơi yêu thích của những nhân vật giàu có không chỉ ở Trung Quốc, Ấn Độ mà còn với phương Tây.
Thế giới cũng đang hình thành một xu thế mới: sự chuyển dịch kinh tế từ Tây sang Đông. Boston Consulting Group dự đoán rằng, tổng giá trị tài sản của các triệu phú khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Nhật Bản, sẽ gia tăng ở mức trung bình 9,5%/năm từ 11,5 nghìn tỉ USD năm 2008 lên 18,1 nghìn tỉ USD năm 2013.
Theo một báo cáo của Merrill Lynch và Capgemini, châu Á - Thái Bình Dương dự báo sẽ vượt qua Bắc Mỹ trở thành khu vực giàu nhất thế giới năm 2013.
Châu Á đã thu hút đầu tư nước ngoài bởi tỉ lệ tăng trưởng, lợi ích cao hơn so với Mỹ và châu Âu. Xu thế này vẫn tiếp tục diễn ra. Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo vào năm 2020, các nền kinh tế Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản với 10 nước thành viên ASEAN sẽ đạt 24,8 nghìn tỉ USD.
Theo Kỳ Thư (VNN / chosun)