Chiếm số đông trong các cầu thủ U-23 Việt Nam gây chấn động trong làng bóng châu Á là hai lò đào tạo HA Gia Lai và Hà Nội. Bên cạnh đó cũng cần phải kể đến PVF - một lò đào tạo chỉ chuyên làm tuyến trẻ rồi cung cấp cho các CLB và các đội tuyển.
Hai cách làm của hai lò đào tạo
Nếu lò HA Gia Lai góp vào đội U-23 bảy cầu thủ thì lò Hà Nội của bầu Hiển cũng tham gia đến sáu cầu thủ. Nói đúng hơn là bảy cầu thủ vì trung vệ Đình Trọng của CLB Sài Gòn cũng là cầu thủ xuất thân từ lò Hà Nội.
Với quân số cầu thủ đóng góp cho U-23 ngang nhau như thế, có thể nói bầu Đức và bầu Hiển là hai ông bầu có công lớn trong việc cung cấp nguồn cầu thủ trẻ cho U-23 qua việc ươm mầm từ nhiều năm qua.
Nếu lò HA Gia Lai JMG của bầu Đức từng nổi đình nổi đám sớm với lứa U-19 từ học viện “cất cánh” thẳng ở các sân chơi trẻ khu vực thì lò Hà Nội của bầu Hiển lặng lẽ hơn nhưng phổ cập hơn.
Bầu Đức và bầu Hiển gần như chưa bao giờ ngồi với nhau ở cả lĩnh vực kinh tế lẫn bóng đá nhưng những cầu thủ tài năng của hai ông bầu này lại làm nên một bản hợp xướng đầy hào hùng cho làng bóng Việt.
Một PV thể thao từng ví von rằng bầu Đức đầu tư cho lứa cầu thủ trẻ HA Gia Lai JMG và họ như một chiếc trực thăng lên thẳng mà chưa thể bay xa và bay nhanh. Còn bầu Hiển thì lại tạo ra một hệ thống các CLB với chân rết là lò đào tạo trẻ Hà Nội có thừa hưởng từ “cơ ngơi bóng đá” cũ của bầu Long (Hòa Phát) và bầu Kiên (CLB Hà Nội ACB) giống động cơ diesel bền bỉ. Chính sự kết hợp của hai lò này đã tạo nên một bộ khung U-23 Việt Nam rất chặt chẽ.
Một thế hệ cầu thủ trưởng thành từ những lò đào tạo của các ông bầu và được phát huy bởi một HLV tài năng đến từ Hàn Quốc. Ảnh: CTV
Bầu Đức tốn quá nhiều cho một học viện tạo nên một thế hệ cầu thủ tài năng nhưng khi đánh trận thì cái đẹp của lứa cầu thủ đấy vẫn thiếu tính thực dụng và bản lĩnh của những cầu thủ chuyên đánh trận.
Bầu Hiển thì thực tế hơn khi lò đào tạo của ông tập hợp nhiều cựu danh thủ có tiếng và từng trải để đào tạo những cầu thủ đánh trận đa dạng kiểu như Duy Mạnh, hay có những cú rất độc như Quang Hải… Và điều thấy rõ nhất là khi Quang Hải được chơi cạnh Công Phượng hay Văn Toàn hoặc có sự trợ thủ đắc lực từ Xuân Trường ở phía sau thì cầu thủ này càng phát huy hết những phẩm chất của mình.
Hai ông bầu có công lớn trong việc hình thành những lò đào tạo lớn không ngồi với nhau nhưng cầu thủ của hai ông khi gắn với nhau lại tạo nên những hiệu ứng rất mạnh cùng sự đa dạng của U-23 Việt Nam.
người giữ lửa và tập hợp sức mạnh
Cũng đã có so sánh cho rằng thời HLV Hữu Thắng cũng dùng quân bầu Hiển và bầu Đức nhưng lại không đạt được những chiến tích vang dội như thế. nhưng tại sao vài tháng sau thất bại ở SEA Games 29 mọi thứ lại khác hẳn? Ở đây cần phải kể thêm đến ông Park Hang-seo và đội ngũ trợ lý của ông. Chỉ hơn ba tháng sau trận thảm bại bạc nhược trước Thái Lan, dưới tay ông Park Hang-seo các cầu thủ đã có sự thay đổi rất nhiều. Họ mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và thực sự là những chiến binh hơn là biểu diễn.
Đầu tiên là không còn căn bệnh công làm thủ phá. Thay vào đó, chính các tiền đạo như Công Phượng, Hà Đức Chinh có lúc phải về tới khu 16,5 m để tranh cướp. Song song đó là ý thức tổ chức phòng ngự được thiết lập rất chặt chẽ và ăn ý. Điểm nổi bật mà HLV người Hàn Quốc làm mới là ông tin dùng những cầu thủ mới và khắc phục nhanh những điểm yếu cho học trò mình. Như Duy Mạnh mắc nhiều lỗi ở những trận giao hữu thì vào giải lại trở nên lá chắn rất chắc. Hay Xuân Trường trước đây rất yếu trong tranh chấp và phòng ngự thì nay vai trò đấy rất nổi bật trong từng trận đấu. Ấn tượng nhất là ông biến Đức Huy từ một cầu thủ “bình thường” ít được tin dùng trở nên một tay đánh chặn và đọc vị đối thủ rất nhanh. Một lá phổi thầm lặng ở trung tuyến với nhiều pha đánh chặn thành công và phản công rất nhanh. Rồi một Xuân Mạnh khó có suất đá chính trở nên một cầu thủ đa năng ở hành lang hay Phan Văn Đức, Hồng Duy vừa là siêu dự bị vừa là những cầu thủ vào sân là tạo nên bất ngờ lớn.
Công bằng mà nói thì việc mời ông Park Hang-seo trong tình thế bóng đá Việt Nam rối ren thuyền trưởng sau khi HLV Hữu Thắng rút lui phải kể đến công của bầu Đức. Ông Đức từng chia sẻ điều ông lo sợ nhất là đặt vào đấy những HLV thiếu tầm hay vì những quyền lợi riêng mà làm hỏng cả một thế hệ cầu thủ tài năng. Đó là lý do ông bàn với thường vụ VFF tức tốc sang Hàn Quốc và dùng những mối quan hệ của mình để nhờ giúp cho một HLV giỏi có tâm và có tầm.
Từ thành công của lứa U-23 hôm nay cho thấy bóng đá Việt Nam có một nền tảng tốt xuất phát từ các lò đào tạo chú trọng nhiều vào việc đầu tư cho bóng đá trẻ với nhiều cách làm khác nhau, nhưng dưới tay một HLV có tầm thì tất cả điểm mạnh đều được phát huy.
Nói không ngoa là các ông bầu và các lò đào tạo đã đặt nền móng cho bóng đá trẻ, còn tập thể U-23 Việt Nam hôm nay đã mở ra một đường băng rất rộng để bóng đá Việt Nam cất cánh. Những hình ảnh cả đất nước hào hứng hướng về ủng hộ U-23 Việt Nam và cuộc đón rước mừng công không tưởng với sự quan tâm lớn sẽ là điều kiện để những nhà làm bóng đá phát triển mạnh hơn nữa.
VFF cần tạo điều kiện cho các CLB chuyên nghiệp phát triển tuyến trẻ Nếu SL Nghệ An kiên trì với việc đào tạo trẻ từ thời bao cấp đến giờ, hay Đà Nẵng cũng luôn căn cơ chú trọng vào điều này thì nhiều CLB chuyên nghiệp Việt Nam vẫn được “chấp nhận” cho làm bóng đá kiểu có tiền là có tất cả mà không cần xây dựng tuyến trẻ. Lò SL Nghệ An từng rất thành công nhưng chính sách của bóng đá Việt Nam khiến trung tâm đào tạo nổi tiếng cứ bị chảy máu cầu thủ, bị các CLB giàu có “hút máu”. Hai cầu thủ mà SL Nghệ An góp mặt là Xuân Mạnh và Văn Đức đều là những cầu thủ chất lượng góp phần lớn vào những chiến thắng quan trọng của U-23 Việt Nam, khẳng định trong tình thế khó khăn họ vẫn duy trì được công tác đào tạo trẻ bất chấp ít được ủng hộ. Với lò PVF và Viettel thì đây là hai lò đào tạo rất căn cơ dù không có đội chuyên nghiệp. Đó cũng là hai lò đào tạo cung cấp phần lớn cầu thủ U-19 lập kỳ tích dự World Cup U-20 và không ít cầu thủ từ cái nôi này đã thành nhân vật hot của U-23 Việt Nam. |